Năm 2017, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thoái 100% vốn tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu vật tư thiết bị đường sắt (132 Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tháng 5/2017, Công ty được chuyển giao cho nhà đầu tư mới. Thời điểm đó, hàng chục nhân viên Công ty này đã nộp đơn xin nghỉ việc vì thấy “không phù hợp với môi trường làm việc mới”.
Làm các thủ tục để chấm dứt hợp đồng lao động, nhóm nhân viên được lãnh đạo công ty đồng ý cho thôi việc. Theo luật, số tiền trợ cấp thôi việc mỗi người lao động được hưởng là từ 25 đến 50 triệu đồng tùy thâm niên làm việc. Nhưng nhiều tháng trôi qua, phía Công ty không giải quyết.
Có 31 năm công tác tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu vật tư thiết bị đường sắt, khi ông Lương Minh Anh (51 tuổi) xin nghỉ việc, Công ty không thực hiện việc trả tiền trợ cấp thôi việc.
“Tôi đã nộp đơn trước 2 tháng nhưng đến khi có quyết định nghỉ việc vào ngày 15/8/2017, Công ty chỉ trả sổ bảo hiểm và quyết định chấm dứt hợp đồng mà không hề có hồ sơ hay trợ cấp thôi việc”, ông Anh bức xúc nói.
Cùng hoàn cảnh với ông Minh Anh là hơn 20 lao động khác. Nhiều tháng trở lại đây họ gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết.
Cá biệt có trường hợp của bà Đỗ Kim Tuyến (42 tuổi), nguyên là trưởng phòng tài chính kế toán của Công ty. Ngày 11/7/2017, bà Tuyến gửi đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động, báo trước thời hạn nghỉ 45 ngày.
“Trong thời hạn 45 ngày theo luật định, tôi đã có mặt đầy đủ tại Công ty, cùng với những nhân sự khác của phòng Tài chính kế toán hoàn thành quyết toán. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty tìm mọi cách để tôi không thể hoàn thành công việc. Ngày 21/8/2017, tôi đã làm công văn báo cáo trực tiếp Tổng giám đốc là bà Thân Thị Thu Hường về việc quyết toán quý 2/2017 không thể thực hiện được, nhưng tôi không nhận được bất cứ phản hồi nào”, bà Tuyến cho biết.
Kể từ tháng 7 đến tháng 10/2017, bà Đỗ Kim Tuyến đã ba lần gửi đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động và kiến nghị những sai phạm của lãnh đạo Công ty trong việc cố tình vi phạm pháp luật, cố tình không ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động nhưng lãnh đạo Công ty không hồi âm.
Kết quả là hơn 9 tháng trôi qua, bà Tuyến không được chấm dứt hợp đồng lao động cũng như không trả sổ bảo hiểm, trả hồ sơ giấy tờ và các chế độ khác mà bà được hưởng theo luật định.
“Tôi không thể đi làm hay đi xin việc ở đâu vì không có hồ sơ. 17 năm tôi công tác giờ không được ghi nhận”, bà Tuyến chia sẻ.
Trước sự việc trên, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Hai Bà Trưng đã ba lần gửi công văn yêu cầu Công ty giải quyết cho người lao động.
Ngày 20/4, trong công văn trả lời Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Công ty này xác nhận nội dung đơn kiến nghị của người lao động là phù hợp. Tuy nhiên do tình hình tài chính khó khăn nên Công ty chưa thể giải quyết.
Đến ngày 11/5, Công ty này tổ chức gặp mặt những lao động có đơn cầu cứu. Đại diện Công ty cho biết sẽ chi trả đầy đủ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trước 18/5. Nhưng đến ngày 13/6, cam kết này vẫn chưa được thực hiện.
Ông Hoàng Trọng (Trưởng Phòng Lao động, Thương binh Xã hội quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Đơn vị đã đứng ra hòa giải khiếu nại giữa hai bên nhưng không thành. Nếu người lao động có mong muốn kiện thì chúng tôi sẽ hỗ trợ về mặt pháp lý”.
Trước đó, phóng viên đã nhiều lần liên hệ làm việc với Ban lãnh đạo Công ty xuất nhập khẩu thiết bị vật tư đường sắt, nhưng không một lần nhận được hồi âm.
Luật sư Nguyễn Tuấn Anh (Văn phòng luật sư Đại Nam) cho biết: Điều 48 Bộ luật Lao động quy định, khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này (trong đó có trường hợp hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 3 Điều này) thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Trong vụ việc này, nếu doanh nghiệp đã cố tình không thực hiện nghĩa vụ thì người lao động có quyền kiện ra tòa để đòi quyền lợi chính đáng của mình. |