Bệnh nhân vào viện lần mới nhất tháng 10, khi huyết áp lên tới 200/100 mmHg, so với mức chuẩn 120/80 mmHg. Cụ có tiền sử cao huyết áp 10 năm nay, kèm các bệnh lý khác như bệnh tim, xơ vữa động mạch, tiểu đường, gan nhiễm mỡ.
Điểm khác biệt ở bệnh nhân này là cụ có thói quen ăn rất mặn. Tuy không ước lượng đượclượng muối ăn hàng ngày song món gì chế biến cũng cho thêm mì chính hoặc muối, kể cả các món luộc, và chấm đẫm nước mắm.
Một cụ khác 75 tuổi, đi khám sức khỏe định kỳ thấy nhịp tim nhanh, đo thấy huyết áp cao, đạt 140/90 mmHg. Gia đình cụ bỏ thói quen ăn mặn được hai năm nay sau khi biết rõ tác hại của việc hấp thụ quá nhiều muối với sức khỏe tim mạch.
"Khi ra ngoài ăn ở những chỗ khác, tôi cảm nhận rõ nhà mình ăn mặn hơn", cụ kể. "Tuy nhiên ăn mặn thấy món ăn đậm đà hơn nhiều, nên bỏ cũng khó lắm".
Đây là hai trong số 40 bệnh nhân nội trú bị tăng huyết áp, có biến chứng về tim mạch kèm bệnh lý khác đang điều trị tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị. Bác sĩ trưởng khoa Trần Thị Hải Hà nhận định chế độ ăn mặn (nhiều natri) là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh cao huyết áp của các bệnh nhân.
Bác sĩ phân tích, khi cơ thể bổ sung nhiều muối ăn (NaCl), natri sẽ chuyển hóa vào tế bào cơ của thành mạch máu, kéo nước vào tế bào thành mạch, từ đó tăng trương lực cơ của thành mạch, dẫn tới co mạch, tăng huyết áp. Từ cao huyết áp dẫn tới các biến chứng tim, thận, tai biến mạch máu não...
Theo thống kê tại Bệnh viện Hữu Nghị, số bệnh nhân đến khám và điều trị toàn bệnh viện trong vòng một tuần khoảng 400 người thì có đến 80-90% bệnh nhân bị cao huyết áp, hầu hết được tư vấn dinh dưỡng sang chế độ ăn nhạt để cải thiện bệnh.
Bác sĩ Hà cho biết, tình trạng của bà cụ 77 tuổi, bốn lần nhập viện trước, bà được điều trị bằng thuốc và có thực đơn riêng, ăn nhạt. Sau 14 ngày nằm viện, tình trạng sức khỏe cải thiện, huyết áp hạ. "Tuy nhiên khi trở về nhà, bệnh nhân không kiểm soát chế độ ăn uống của mình khiến huyết áp tăng trở lại", bác sĩ nói.
Làn thứ 5, cụ bà được bác sĩ kê thực đơn riêng kiểm soát chế độ ăn uống, một ngày 6 bữa gồm 3 bữa chính chỉ ăn cháo và 3 bữa phụ gồm hoa quả, đặc biệt ăn nhạt, không ăn thực phẩm dầu mỡ, không ăn thêm đồ ăn ở ngoài. Sau một tuần, huyết áp bệnh nhân giảm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành không ăn quá 5 g muối một ngày, trong khi người Việt Nam ăn muối gấp đôi, 9,4 g.
"Ăn nhiều muối góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch", Thứ trưởng Y tế Nguyễn Văn Thuấn nói.
Các bệnh tim mạch đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm 30% tổng số tử vong toàn cầu, chủ yếu do bệnh mạch máu não và tim thiếu máu cục bộ. Cứ 5 người trưởng thành thì một người bị tăng huyết áp, cứ ba trường hợp tử vong thì một do các bệnh tim mạch. Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết mỗi năm 4,1 triệu người tử vong trên toàn thế giới do ăn thừa muối.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tám, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị, nhận định nhiều người cho rằng chế biến món ăn mặn thì sẽ đậm đà, ngon hơn, nhưng vô tình đó lại là nguyên nhân gây bệnh. Ăn mặn trước hết gây tăng huyếp áp, là tiền đề dẫn tới các bệnh lý khác.
Huyết áp cao không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi như trước kia, mà nay được phát hiện nhiều ở cả người trẻ và trung niên, chủ yếu do lối sống và chế độ ăn.
Bác sĩ Tám nhận định, trong điều trị, chế độ ăn quan trọng ngang với việc dùng thuốc. "Nếu ăn đúng lượng natri hàng dưới 5 g một ngày theo khuyến cáo, chỉ sau vài tháng có thể giảm tình trạng tăng huyết áp".
Natri đến từ hai nguồn: có sẵn trong thức ăn và gia vị. Khi thêm gia vị, ta có thể ước lượng mỗi thìa con (thìa sữa chua) tương đương 1 gram.
Theo bác sĩ, rèn thói quen ăn nhạt không dễ, nên chuyển dần để tránh cảm giác khó chịu về vị giác. Nên tránh các thực phẩm chế biến sẵn như thịt muối, xúc xích, dưa muối - những thực phẩm có hàm lượng muối cao.