Chủ nhật, 22/12/2024
Thứ năm, 9/3/2023, 13:58 (GMT+7)

Nhiều khu bán lẻ ở Hà Nội và TP HCM trống mặt bằng

Một số khối đế bán lẻ, trung tâm thương mại ở Hà Nội và TP HCM hiện không có khách thuê, các tầng dịch vụ bỏ trống, kinh doanh ảm đạm.

Hà Nội, ghi nhận tại Trung tâm thương mại Discovery Complex (quận Cầu Giấy) sáng 2/3, khá vắng vẻ. Chỉ có tầng trệt, một phần tầng 2 và 7 sáng điện, còn lại tắt đèn. Toà nhà này dành 8 tầng cho thuê kinh doanh, mua sắm, ăn uống, tập thể thao. Mặt bằng của mỗi tầng có hơn 20 gian hàng, phân chia vị trí nhưng từ lâu không hoạt động.

Dự án Discovery Complex khởi công chính thức từ năm 2004, hoàn thành đầu năm 2018. Tuy nhiên, phải đến đầu năm nay, tháng 1/2023, dự án này mới chính thức được nghiệm thu an toàn phòng cháy chữa cháy dù đã mở bán căn hộ, đưa dân cư và cho doanh nghiệp vào thuê văn phòng, sàn thương mại trước đó.

Khách qua lại ở tầng trệt trung tâm thương mại, nơi có quán cà phê và siêu thị còn hoạt động.

Tầng 1 của toà nhà Discovery Complex chỉ có vài gian hàng thời trang sáng đèn, trang trí sơ sài và không có khách.

Tầng 4 của toà nhà là khu vực vui chơi giải trí, chỉ còn lại những máy chơi game và vài tấm áp phích quảng cáo ngổn ngang. Gạch nền và trần đều bị tháo tung, bụi phủ trắng.

Tầng 5 là khu ẩm thực của trung tâm thương mại, tuy nhiên các gian hàng đã đóng cửa nhưng đều bỏ lại cơ sở vật chất. Thang máy lên tầng này cũng bị khóa. Khách vào toà nhà chỉ có thể lên tầng 7, nơi có một nhà hàng hải sản còn hoạt động.

Tương tự, tại Trung tâm thương mại Artemis (quận Thanh Xuân), bên trong sảnh tầng một trống trải. Toà nhà này chỉ có vài ngân hàng hoạt động bên ngoài.

The Artemis là trung tâm thương mại có vị trí hai mặt tiền, hai mặt thoáng, tọa lạc ở quận có dân cư đông đúc (Thanh Xuân). Dự án gồm 1 tòa tháp cao 27 tầng, với 2 tầng thương mại, 6 tầng văn phòng và 19 tầng căn hộ. Tổng diện tích sàn xây dựng trên 100.000 m2 được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ giữa 2017.

Tòa nhà MIPEC Tower (quận Đống Đa) cũng sử dụng 5 tầng làm trung tâm mua sắm. Ngay từ tầng 1, cửa cuốn sắt của tòa nhà luôn đóng, bên trong không có một gian hàng nào hoạt động. Những ngày qua, khi khách tới xem mặt bằng phải chờ nhân viên kỹ thuật tới mở cửa.

Các gian hàng kinh doanh ở toà nhà MIPEC trước đó đã dọn đi, để lại những tấm pano, áp phích chờ ngày mở cửa, ngổn ngang.

Tại TP HCM, nhiều trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ ở các quận rìa thành phố như Nhà Bè, quận 7, Thủ Đức hay thậm chí ở quận 1 cũng xuất hiện tình trạng mặt bằng trống rất nhiều.

Như tại Bitexco - tòa tháp 68 tầng, nơi từng là biểu tượng của thành phố - từ giữa tháng 2, các nhãn hàng lần lượt trả mặt bằng từ tầng 3 đến tầng 6. Lượng khách vãng lai đến đây chủ yếu tập trung ở tầng trệt và tầng 2 khi nơi đây còn một nhà hàng lẩu và một quán cà phê hoạt động.

Toà nhà treo biển đang nâng cấp sửa chữa từ tầng 3 đến tầng 6. Thang máy và thang cuốn dẫn lên các tầng này đều không hoạt động.

Nói với VnExpress, đại diện Bitexco (chủ tòa nhà) cho biết, họ đang rà soát các hợp đồng thuê để chuẩn bị cho kế hoạch cải tạo, nâng cấp cao ốc này. Đến quý I năm nay, công ty lần lượt thu hồi mặt bằng để cải tạo, nâng cấp cuốn chiếu nhằm mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Theo Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam (chuyên cung cấp các dịch vụ bất động sản), nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại TP HCM tính từ cuối năm ngoái đến nay đạt hơn một triệu m2 sàn, tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường là 88%, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế, diện tích thực thuê thường dao động trên dưới 65%, còn lại là các không gian mở trong dự án thương mại (ví dụ như hành lang, sảnh, khu thông tầng).

Một số cửa hàng ở tầng 2 Bitexco đóng cửa phục vụ nâng cấp, sửa chữa.

Cushman & Wakefield Việt Nam xác nhận có tình trạng một số trung tâm mua sắm và khối đế bán lẻ có nhiều diện tích trống. Mặt bằng bị bỏ trống thường chỉ xảy ra ở những dự án khối đế bán lẻ và trung tâm thương mại ở ngoài rìa trung tâm không được quản lý vận hành hợp lý, đa phần có diện tích thực thuê nhỏ, nên không ảnh hưởng nhiều đến số liệu trung bình của toàn thị trường.

Riêng với các trung tâm mua sắm tại khu vực trung tâm lớn, việc mặt bằng bị trống, theo công ty nghiên cứu thị trường CBRE, có thể do chủ đầu tư có chiến lược bố trí lại, cải tạo làm mới tòa nhà...

Ngoài ra, một lý do khác được Công ty dịch vụ bất động sản Savills đưa ra là khách kết thúc hợp đồng trước hạn tại các dự án ngoài trung tâm. Đối với các khu bán lẻ nằm ngoài khu trung tâm thành phố, những vị trí tại các tầng cao, dự án cũ cũng đang gặp khó khăn trong việc cải thiện công suất. Hiện khách thuê trả mặt bằng thuộc lĩnh vực thời trang chiếm 24%; ăn uống chiếm 22%, còn lĩnh vực giải trí và giáo dục chiếm 20%.

Cushman & Wakefield cho biết thêm, tính đến quý IV/2022, TP HCM đón 12 thương hiệu bán lẻ mới gia nhập thị trường, 7 thương hiệu mở rộng thêm cửa hàng tại 8 địa điểm, 1 thương hiệu di dời từ khu thương mại này sang khu thương mại khác và 1 thương hiệu thu hẹp quy mô rút khỏi thị trường Việt Nam.

Ngọc Thành - Phong Anh - Vũ Lê - Phương Ánh