Ông Hoàng Cường, giám đốc một công ty du lịch có trụ sở ở Hà Nội, than phiền tình trạng một số khách sạn, resort tại Phan Thiết (Bình Thuận), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh), Cửa Lò (Nghệ An), Cát Bà (Hải Phòng) "ép" phải ở hai đêm mới nhận đoàn khách. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú còn buộc đoàn khách phải ăn ít nhất một bữa.
Theo ông Cường, yêu cầu trên ảnh hưởng đến lịch trình du lịch. Đôi khi, khách không thể sắp xếp để có thể nghỉ dài hơn nên buộc phải tìm nơi ở khác. Thời gian du lịch hạn chế nên việc phải ăn ở khách sạn, resort khiến khách không có cơ hội thưởng thức những món ngon khác tại địa phương.
"Tôi có đoàn đi Cát Bà 3 ngày 2 đêm nhưng dính hai bữa ăn bắt buộc trong lịch trình. Đoàn đang đi chơi vui vẻ cũng phải gấp rút về khách sạn để kịp giờ ăn", ông Cường nói.
Trả lời VnExpress, giám đốc một khách sạn 5 sao tại Hạ Long, nói yêu cầu phải ở hai đêm hay ăn tối thiểu một bữa là "không khó hiểu", dù khẳng định cơ sở của mình không có chính sách như vậy. Các dịp cao điểm như hè, khách sạn còn trống ít phòng nên họ "ép" khách để tối ưu doanh thu. Dù vậy, vị lãnh đạo này đánh giá chuyện buộc phải ăn một bữa "khá phản cảm" và đôi khi gây hại cho khách sạn. Nếu đoàn khách nào cũng bắt ăn một bữa trong khách sạn, không phải cơ sở nào cũng đủ chỗ chứa.
Đại diện công ty Du Lịch Việt cho biết tình trạng yêu cầu ở ít nhất hai đêm phổ biến ở Phan Thiết, Đà Lạt (Lâm Đồng). Tuy nhiên, công ty Du lịch Việt hiểu tại sao có "quy định ngầm" này. Các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú thường chỉ có một mùa đông khách trong năm. Các đoàn du lịch thường lớn, ở nhiều phòng nên nếu chỉ lấy một đêm cuối tuần, phía khách sạn, resort sẽ khó bán ngày còn lại, ảnh hưởng tới doanh thu.
"Cả hai bên đều là người kinh doanh nên tôi nghĩ chúng ta cần sự thông cảm", đại diện công ty nói.
Mặt khác, đại diện công ty này cho biết các cơ sở lưu trú đưa ra quy định phải thuê hai đêm xuất phát từ "xu hướng chung của khách tại điểm đến". Ví dụ, trước đây, 90% khách đi Phan Thiết thường ở hai đêm do thời gian di chuyển khá lâu từ TP HCM. Do đó, quy định được đưa ra thường là "ở hai đêm cuối tuần". Với tuyến cao tốc mới Dầu Giây - Phan Thiết, thời gian di chuyển được rút ngắn nên trong tương lai, thời gian lưu trú trung bình sẽ còn hai ngày một đêm. Vì thế, các cơ sở lưu trú có thể phải sớm điều chỉnh lại quy định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, nói "không quá bức xúc" với quy định phải thuê hai đêm cuối tuần. Nếu đứng trên góc độ kinh doanh, các cơ sở lưu trú sẽ cảm thấy bị thiệt. Khách đoàn thường có kế hoạch sớm, đặt trước được những khách sạn tốt, giá hợp lý. Trong khi đó, các khách lẻ có thói quen du lịch ngẫu hứng hơn. Nếu bán phòng một đêm cuối tuần cho khách lẻ, giá sẽ tốt hơn cho khách đoàn đã ký hợp đồng giá tốt từ trước.
"Tôi thường chơi bài ngửa với các khách sạn là hỏi họ mức giá nào mới có thể chấp nhận cho khách ở một đêm. Trong trường hợp không thể thương lượng, chúng tôi phải chuyển sang lựa chọn khác", ông Đạt nói thêm.
Tú Nguyễn