Đỗ Linh, du khách Hưng Yên, cùng bạn mắc kẹt ở Cát Bà từ trưa 22/7 sau khi không kịp lên phà vì dòng người muốn trở về quá đông. Linh cho biết khách sạn tính đủ tiền phòng ngày 22/7, ngày 23/7 giảm 50%. Hai ngày bị kẹt lại, các bãi biển trên đảo đều cấm du khách nên họ "chỉ ngồi trong phòng".
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cơ sở lưu trú tại Cát Bà đã hỗ trợ giảm 50% khách mắc kẹt vì bão từ 23/7. Một số cơ sở như khách sạn Rồng Biển còn miễn hoàn toàn tiền phòng cho 18 khách mắc kẹt có lịch check out từ 22/7. Với các khách check in vào 24/7, khách sạn này cũng sẽ trợ giá 50%.
Trong khi đó, Flamingo Cát Bà Beach Resort thông báo sẽ cho bảo lưu dòng tiền hoặc dời booking (đơn đặt phòng) đến 30/12, việc đặt lại sẽ dựa vào tình trạng phòng thực tế tại thời điểm đặt. Đối với các booking đã đặt ở hai đêm nhưng sợ bão nên check-out sớm, resort này sẽ bảo lưu dòng tiền.
Chiều 23/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng thông báo các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà biển, tàu thuyền thủy sản, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long, hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển đảo, trở lại bình thường từ 7h ngày 24/7. Trước đó, các hoạt động này đã bị dừng từ 12h ngày 22/7 để ứng phó với bão số 2. Thống kê trong chiều 22/7 của huyện Cát Hải, hơn 3.800 du khách kẹt lại trên đảo Cát Bà.
Khánh Ly, du khách Hà Nội, đi du lịch Cát Bà - làng chài Việt Hải từ 21/7 đến 23/7, cho biết chỉ có thể ở lại homestay chơi cả ngày. Nếu có phà, chị sẽ về Hà Nội ngay sáng 24/7.
Huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, chiều 22/7 có hơn 1.000 khách mắc kẹt trên các đảo. Tại Quan Lạn, một số du khách mắc kẹt cũng mong sớm về nhà nhưng không quá khó chịu vì bão. Bà Phạm Mai, du khách Hà Nội, cùng hai con du lịch Quan Lạn ngày 21-23/7. Tới sáng 22/7, nhân viên bán vé tàu đã khuyến khích hành khách về bờ sớm nhưng gia đình bà Mai vẫn ở lại vì "muốn trải nghiệm đón bão trên đảo". Du khách cho biết dự định đi từ Minh Châu đến tham quan Eo Gió nhưng phải hủy vì thời tiết xấu, mưa suốt cả ngày 22/7 tới khoảng 15h ngày 23/7 mới ngớt.
"Trải nghiệm nghe gió rít, đội mưa đi xem biển cũng thú vị", bà Mai nói nhưng cũng ngóng tàu để trở về đất liền. Sáng 24/7, bà dự định sẽ ra cảng từ sớm để bắt chuyến tàu sớm nhất về bờ nếu có thể.
Tuấn Anh, hướng dẫn viên trên đảo Quan Lạn, cho biết sáng 23/7 còn dẫn nhóm khách đi chơi Bãi Rùa vì trời chỉ mưa nhẹ, gió không to. Anh cho biết đoàn khách nhiều người trẻ nên vẫn thích đi chơi dù mưa gió. Trên đảo, một số homestay cũng hỗ trợ 100% tiền phòng cho khách mắc kẹt.
Tới khoảng 18h30, các chủ tàu hoạt động ở khu vực vịnh Hạ Long cho biết vẫn chưa nhận được văn bản cho phép tàu chạy lại. Tuy nhiên, đa số dự đoán các hoạt động trên biển sẽ bình thường từ sáng 24/7.
Hoài Anh