Độc giả Huỳnh Mỹ An, học sinh lớp 10 ở một trường Quốc tế TP HCM, chia sẻ với bạn đọc VnExpress những hậu quả về áp lực học đường mà các phụ huynh đang tạo ra cho con cái.
Việt Nam là một quốc gia có truyền thống học tập được đề cao, đó đồng nghĩa với việc áp lực đạt điểm tốt luôn là một nỗi lo trong lòng các học sinh đang ngồi ghế nhà trường. Chuyện thức khuya học bài hoặc bỏ bữa để đi học thêm là vấn đề thường thấy ở học sinh lứa tuổi trung học, thậm chí cả ở tiểu học.
Đối với phụ huynh việc học phụ đạo, luyện thi, ngoại ngữ... là điều cần thiết, nhưng với học sinh thì đó là nỗi ám ảnh. Phụ huynh cho rằng: đi học phải gặp áp lực thì con cái mới phấn đấu, hay học lớp cao thì áp lực nhiều hơn là hiển nhiên... Nhưng vô tình, áp lực đó lại trở thành nỗi sợ "xiềng xích" trong đầu học sinh.
Vấn đề này không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn ở các nước châu Á. Cụ thể, Hàn Quốc là nước có tỉ lệ tử vong vì học tập cao nhất trong các nước châu Á. Học cấp ba ở đất nước này là những năm học hành xác đối với học sinh, vì một người trung bình học từ 8h sáng đến nửa đêm.
Ở Trung Quốc, nơi học sinh đạt điểm số cao ngất ngưởng trong các bài thi như SAT hay IELTS, áp lực học tập cũng là một vấn đề thường gặp. Đối với bậc phụ huynh Trung Quốc, đạt điểm cao trong các bài thi này chính là tấm vé để con họ được đi du học dễ dàng hơn.
Còn Nhật Bản, nơi vốn được ca tụng bởi hệ thống giáo dục dạy “lễ” trước dạy “văn”, áp lực học tập ở các học sinh lứa tuổi trung học chỉ có hơn chứ không kém.
Tương tự như Việt Nam, cả một quá trình học tập của học sinh được quyết định bởi kết quả của kỳ thi đại học. Chính vì vậy, việc đăng ký học thêm để đậu được vào đại học là gần như bắt buộc.
Trước thực trạng này, tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 237 học sinh (từ 14 đến 19 tuổi), trong đó có 109 học sinh trường dân lập/quốc tế và 128 học sinh trường công lập về vấn đề áp lực học đường. Kết quả của cuộc khảo sát phản ánh nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm.
Giữa học sinh trường dân lập/quốc tế và học sinh trường công lập, sự khác biệt về cách các bạn nhận thấy áp lực là không đáng kể. 83% học sinh trường dân lập/quốc tế cho rằng đang gặp áp lực trong học tập, và con số tăng lên 86% đối với học sinh trường công lập.
Điều này cho thấy, dù có sự khác biệt về môi trường học tập, phần lớn các bạn đều nghĩ rằng học tập là điều gây áp lực. Trong tiềm thức con người Việt Nam, áp lực là một điều không thể không có, vì ta hay cho rằng áp lực chính là động lực, không có áp lực đồng nghĩa với không có ý chí phấn đấu. Mà không có ý chí phấn đấu trong học tập chính là không biết tôn trọng công lao động của ba mẹ và thầy cô.
Bởi thế, ta cho rằng áp lực là một điều hiển nhiên trong học tập. Quan niệm này trở nên đáng lo ngại khi áp lực ảnh hưởng sự phát triển tư tưởng và nhận thức của học sinh.
Trong cuộc khảo sát, với câu hỏi: “Bạn thường muốn làm gì khi bị ba mẹ gây áp lực về học tập?”, kết quả phản hồi là khá tiêu cực. 61% các bạn lựa chọn các câu trả lời: “Nản chí, muốn bỏ cuộc”, “Phao bài, gian lận để đạt điểm cao” hay “Không muốn đối mặt với cha mẹ, muốn bỏ nhà ra đi”. Điều này có thể chính là lý do học sinh ngày càng học hành sa sút.
Khi áp lực không còn là động lực để học sinh cố gắng, những nhận thức sai lầm như “ba mẹ không bao giờ hài lòng” hoặc “đáng lẽ nên phao bài để đạt điểm cao” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cách suy nghĩ của học sinh về điểm số và học tập. Đáng lo ngại hơn là khi học sinh cho rằng cả quá trình học tập sẽ chỉ được quyết định bởi những con điểm.
Những phản ứng tiêu cực khi bị đặt áp lực về điểm số xuất hiện nhiều ở nữ giới hơn ở nam giới. Trong tổng số các học sinh lựa chọn câu trả lời “cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc” hay “cảm thấy áp lực mỗi khi kiểm tra”, 58% là nữ giới. Trong khi đó, 65% học sinh chọn câu trả lời “muốn bỏ nhà ra đi, không muốn đối mặt với ba mẹ” là nam giới.
Điều này cho thấy, cách học sinh đối mặt với áp lực có sự khác nhau theo giới tính. Tuy nhiên, khi áp lực được tích tụ ngày qua ngày, các phản ứng cực đoan sẽ thường xuyên xuất hiện hơn.
(Xem thêm: Giáo viên Tây chỉ 1.001 bí quyết học tiếng Anh cho người Việt)
Trong cuộc khảo sát, một câu hỏi khác đáng quan tâm: “Ai là người gây áp lực trong học tập nhiều nhất cho bạn?”. 51% học sinh cho rằng tự bản thân là người gây ra áp lực cho mình nhiều nhất. Điều này khác với những gì cá nhân tôi đã nghĩ, vì tôi cho rằng phụ huynh mới là tác nhân lớn nhất gây ra áp lực học tập.
Tuy nhiên, theo góc nhìn của một học sinh, lời giải thích cho vấn đề này hoàn toàn dễ hiểu. Áp lực các học sinh tự đặt lên bản thân không thuần túy là do sự nỗ lực của bản thân. Các nguyên nhân dẫn đến vấn đề này chính là những câu động viên mang tính chất gây áp lực của phụ huynh.
Tôi ví dụ những câu nói vô tình gây áp lực cho học sinh là: “Nếu con được điểm 10 cho bài kiểm tra cuối kỳ, mẹ sẽ mua cho con điện thoại/đồ chơi/quần áo mới”. Điều này làm học sinh không cảm thấy áp lực vì hoàn toàn không có sự la mắng từ ba mẹ, nhưng vô hình chung hầu hết các học sinh khi nghe câu nói này sẽ tự gây áp lên bản thân để đạt được mục tiêu đó.
Cách động viên này của phụ huynh vừa có lợi và vừa có hại. Lợi vì học sinh có thể cố gắng học tập để đạt được phần thưởng mà ba mẹ đề ra. Thể nhưng, nếu phụ huynh sử dụng biện pháp này để yêu cầu một việc nằm hoàn toàn ngoài sức của học sinh, người con sẽ cảm thấy bản thân quá kém cỏi, không thể nào đạt được kỳ vọng của ba mẹ.
Từ hiện tượng này, hai tình huống có thể xảy ra. Thứ nhất, học sinh sẽ điên cuồng đặt áp lực để đạt được mục tiêu đó. Thứ hai, học sinh có thể sẽ buông xuôi việc học tập vì cho rằng bản thân không bao giờ có thể đạt được điều ba mẹ mong đợi.
Ngoài ra, vì phụ huynh Việt Nam chú trọng kết quả các môn học trên trường lớp, các hoạt động thể dục thể thao hoặc nghệ thuật thường bị phụ huynh mang ra để “dọa” khi học sinh đạt điểm kém. Tôi đã nói chuyện với một học sinh, bạn ấy nói rằng: “Mặc dù em rất muốn được làm nghệ thuật, nhưng ba mẹ em sau này chắc chắn sẽ hướng em theo ngành kinh doanh”.
Các nghề nghiệp phụ huynh Việt Nam muốn con mình theo học thường không phải các nghề hội họa hoặc thể thao, bởi vì họ cho rằng các nghề nghiệp đó “lương bổng không ổn định” hoặc “không được trọng dụng trong xã hội”. Chính vì những tư tưởng như thế, học sinh có thể cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ những ước mơ của mình.
Ở các nước châu Á, không chỉ riêng Việt Nam, có sự khác biệt khá lớn về mức độ áp lực học tập so với các học sinh phương Tây. Các học sinh trung học ở châu Âu cũng gặp không ít áp lực, thế nhưng con số trung bình không vượt quá 50%.
Trong đó, nổi bật nhất chính là Hà Lan với hầu hết các học sinh hoàn toàn không gặp áp lực học tập. Học sinh Mỹ cũng trăn trở với các lớp SAT hay Advanced Placement, và con số học sinh cảm thấy áp lực trong học tập chỉ 49%. So sánh với kết quả của cuộc khảo sát trên (85% cảm thấy áp lực), tỉ lệ học sinh gặp áp lực ở Việt Nam cao hơn rất nhiều.
Không những thế, đây là độ tuổi có những thay đổi về mặt thể chất và tâm lý, thế nên áp lực quá lớn có thể ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc và sức khỏe cho học sinh. Không ít học sinh Việt Nam cảm thấy tương lai mờ mịt vì bản thân không thể nào chịu thêm áp lực.
“Nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc”; “Tôi không biết đạt điểm cao để làm gì nữa” hay “Tao mong ba mẹ đừng xem thường đam mê của tao”... là một số câu nói mà học sinh tự chia sẻ với nhau.
Vậy áp lực trong học tập có thực sự cần thiết hay không? Cá nhân con, đại diện cho một số học sinh đang mệt mỏi với vấn đề này, xin nhường câu trả lời cho bậc phụ huynh.
>> Xem thêm: 'Đầu cừu, đuôi thuyền trưởng' là bài toán hay
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.