Thầy giáo Phan Thế Hoài, thạc sĩ Ngôn ngữ học trường THPT Bình Hưng Hòa (TP HCM), góp ý về dự thảo chương trình môn Ngữ văn.
Ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo môn Ngữ văn chương trình giáo dục phổ thông mới. Với bài viết này, tôi xin nêu một vài ý kiến về chương trình môn Ngữ văn ở bậc trung học.
Theo PGS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên môn Ngữ văn, chương trình trung học (bao gồm THCS và THPT) sẽ đưa vào giảng dạy những tác phẩm sau: Nam quốc sơn hà (chưa rõ tác giả); Truyện Kiều (Nguyễn Du); Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn); Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh); Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) và Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi).
Theo PGS Thống, điểm nổi trội của chương trình môn Ngữ văn là xây dựng với định hướng mở, linh hoạt, không dạy theo lịch sử văn học, mà tập trung vào dạy cách đọc các thể loại tiêu biểu thông qua tác phẩm tiêu biểu. Các tác phẩm khác trước đây sẽ đưa vào phụ lục để giáo viên hình dung về thể loại, đề tài, độ khó, sự phù hợp tâm lý lứa tuổi.
Giáo viên, học sinh hoàn toàn có quyền được chọn các ngữ liệu nằm ngoài phụ lục của sách giáo khoa để dạy và học. Môn học hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển cách đọc hiểu, cách tiếp nhận văn bản, phương pháp đọc, để học sinh tự đọc chứ không chỉ tập trung vào dạy một số tác phẩm cụ thể quy định trong chương trình.
Chương trình và sách giáo khoa mới sẽ có thêm một số văn bản mới nhưng không nhiều (chỉ 20-30%), nghĩa là 70-80% văn bản vẫn được kế thừa ở chương trình hiện hành...
Tuy nhiên, với tư cách người có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, tôi có những băn khoăn như sau:
Thứ nhất, phần Đọc hiểu văn bản văn học. Chương trình trung học từ lớp 6 đến 12 chỉ đưa vào 6 tác phẩm bắt buộc thì chưa khái quát được tiến trình lịch sử của văn học Việt Nam từ văn học dân gian đến văn học hiện đại.
Ngoại trừ văn bản Tuyên ngôn độc lập thì 5 tác phẩm còn lại thuộc thời kỳ trung đại. Trong quá trình dạy học, chúng tôi nhận thấy người dạy không mấy hứng thú và người học thì thơ ơ, học chiếu lệ vì những tác phẩm này rất khó cảm nhận (quá nhiều điển tích, điển cố, lại viết bằng chữ Hán, chữ Nôm…).
Việc lấy một số tác phẩm ngoài sách giáo khoa, chẳng hạn là văn xuôi, liệu học sinh có đủ thời gian đọc, cảm nhận thấu đáo để làm bài kiểm tra hay không?
Thứ hai, kiến thức về tiếng Việt. Bài “Biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ” ở lớp 6 thực sự là quá tầm hiểu biết so với lứa tuổi học sinh. Để nhận diện các biện pháp tu từ này và phân tích tác dụng của chúng trong việc mang lại hiệu quả nghệ thuật cho văn bản là điều không hề đơn giản.
Bài “Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt” ở lớp 7 chúng tôi cũng rất băn khoăn về mặt ngữ nghĩa của một số từ Hán Việt trong cách dùng ngày nay. Chẳng hạn một từ tiếng Việt điển hình cho sự biến đổi ngữ nghĩa này là “khốn nạn”.
Theo từ điển (Hội Khai Trí Tiến Đức và Đào Duy Anh) thì từ “khốn nạn” đều mang cùng một nghĩa là “khó khăn, lúng túng”. Nhưng hiện nay tuyệt đại đa số mọi người dùng từ “khốn nạn” với nghĩa miệt thị và đánh giá về tư cách đạo đức của một người (Ví dụ: “Thằng này thật là khốn nạn”, nghĩa là bảo “thằng đó” tư cách đạo đức không ra gì).
Trên đây là một vài ý kiến của tôi với mong muốn góp thêm tiếng nói để xây dựng môn Ngữ văn hoàn thiện, đáp ứng được mục tiêu mà chương trình đề ra.
>>Dự thảo chương trình môn Ngữ văn
Phan Thế Hoài
ThS. Ngôn ngữ học Trường THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM
>>Mọi góp ý chương trình giáo dục phổ thông gửi về Giaoduc@vnexpress.net