Ông Hồ Phú Quốc (Tam Kỳ, Quảng Nam) là một nhà toán học có tiềm năng trong lĩnh vực hình học đại số và lý thuyết biểu diễn. Anh từng theo học Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhận được nhiều lời mời làm việc từ một số trường đại học, viện nghiên cứu lớn sau khi hoàn thành nghiên cứu sau tiến sĩ tại Áo. Cân nhắc kỹ lưỡng, ông đã chọn HKUST làm nơi công tác lâu dài.
Nhà toán học trẻ chia sẻ, đối với nhiều người Việt, Hong Kong không phải là lựa chọn phổ biến để học tập hay làm việc. Song, ông đã rất ngạc nhiên khi biết thành phố nhỏ hơn TP HCM rất nhiều này có đến 5 đơn vị nằm trong 100 trường đại học tốt nhất thế giới, theo QS trong nhiều năm.
"Môi trường giáo dục tại đây rất thân thiện với người nước ngoài bởi ai cũng nói tiếng Anh", ông Quốc nói thêm.

Hồ Phú Quốc, cựu học sinh của GS Ngô Bảo Châu, bắt đầu làm việc tại khoa Toán của HKUST từ tháng 1 năm nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo ông, HKUST rất phù hợp với hồ sơ và mục tiêu sự nghiệp của mình. Chỉ mới thành lập năm 1991, trường đã vươn lên xếp thứ 34 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới - QS năm 2022 với ba ngành thế mạnh: khoa học, kỹ thuật và kinh doanh. HKUST còn nằm trong top các đại học trẻ hàng đầu quốc tế trong nhiều năm, theo Times Higher Education và QS.
Hơn hết, nơi đây quy tụ hơn 140 học giả, tức 25% giảng viên của HKUST, đã được Đại học Stanford xếp vào top 2% nhà khoa học hàng đầu thế giới năm 2021. Vì vậy, ông cũng như nhiều nghiên cứu sinh xuất sắc trên khắp thế giới thường lựa chọn trường khi đến Hong Kong thông qua chương trình Học bổng Tiến sĩ HongKong.
Chuyển đến HKUST hồi tháng 1, Quốc đã gặp nhà sinh học Nguyễn Tuấn Anh (Ninh Bình) - chuyên gia RNA có 5 năm gắn bó với HKUST. Sinh ra và lớn lên tại ngôi làng nhỏ, Tuấn Anh chưa bao giờ nghe nói về khoa học hay công nghệ suốt thời thơ ấu. Tuy nhiên, niềm đam mê sinh học đã đưa anh đến với Đại học Quốc gia Việt Nam (VNU), Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), gần đây nhất là HKUST.

Nhà sinh học Nguyễn Tuấn Anh (trái) nhận Giải thưởng Sáng tạo Croucher 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà sinh học cho biết, ông tâm đắc ở HKUST ở môi trường quốc tế, hơn 70% giảng viên và 25% sinh viên đều đến từ các quốc gia, khu vực ngoài HongKong. Ông cũng đánh giá cao nỗ lực của trường trong việc đổi mới và khởi nghiệp từ sớm, trước cả khởi nghiệp phổ biến như hiện nay.
"15-16 năm trước, Frank Wang, người sáng lập đế chế máy bay không người lái trị giá hàng tỷ đô DJI, cùng thầy của mình đã phát triển nguyên mẫu đầu tiên trong ký túc xá ở HKUST", Tuấn Anh cho hay. DJI là một trong 7 "công ty kỳ lân" được thành lập hoặc đồng sáng lập bởi các thành viên trưởng thành từ HKUST, dựa theo danh sách 18 công ty kỳ lân được thành lập tại HongKong do Hong Kong X Foundation và CGTN công bố.

Frank Wang (trái) và Giáo sư Li Zexiang (phải), đồng sáng lập lên DJI, trưởng thành từ HKUST. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo thống kê của trường, HKUST đã nâng đỡ hơn 1.600 công ty khởi nghiệp của sinh viên và giảng viên trong suốt 31 năm qua. Các startup này cung cấp hàng loạt giải pháp chống đại dịch, cải thiện sức khỏe, theo đuổi phong cách sống thông minh và bền vững...
Nhiều doanh nhân tốt nghiệp HKUST khẳng định, thành công của họ được ươm mầm từ những người bạn và giảng viên trong thời gian theo học ở đây. Môi trường học tập tại đây đề cao sự đổi mới và tinh thần giải quyết vấn đề hơn là thành tích đơn thuần. Đồng thời, trường còn cung cấp vô số nền tảng bệ phóng, kế hoạch tài trợ và nguồn lực, cho phép sinh viên biến ý tưởng thành hiện thực.
Trong đó có ông Đỗ Văn Thuật - đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Spores Network chuyên về thị trường NFT và trung tâm gamefi tại Việt Nam. Học ngành Toán ứng dụng, tốt nghiệp năm 2021 tại HKUST, ông đã gặt hái được tổng doanh thu 115 tỷ đồng mỗi năm bằng cách tung ra bốn sản phẩm NFT. Sau đó, ông gia nhập Tập đoàn công nghệ FPT để phát triển cơ sở hạ tầng blockchain trong lĩnh vực tài chính.
"Tôi từng mơ ước tìm được công việc tốt trong một công ty lớn. Nhưng sau đó, tôi đã phát triển tư duy khởi nghiệp tại HKUST và bắt đầu tận hưởng sự tự do do khoa học và đổi mới mang lại. Điều hành doanh nghiệp riêng để chuyển những ý tưởng thành sản phẩm là trải nghiệm bổ ích", ông nói.
HKUST sắp ra mắt cơ sở thứ hai tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 và đang đẩy mạnh tuyển dụng thêm 400 giảng viên trong 5 năm tới. Theo đại diện trường, cơ sở này là dự án giáo dục đại học trọng điểm của khu vực Vịnh Greater, kết nối HongKong với 10 thành phố lớn. HKUST HongKong có khuôn viên không carbon nằm cạnh khu công nghệ cao đang quy hoạch và các cơ sở nghiên cứu hiện đại được tài trợ bởi chính quyền Quảng Châu. Bên cạnh đó, trường sẽ áp dụng chương trình giảng dạy đa ngành, nuôi dưỡng thế hệ nhân tài mới, có khả năng giải quyết các vấn đề thực tế bằng sáng kiến đổi mới và công nghệ.
Giáo sư Wang Yang - Phó chủ tịch bộ phận Thể chế - Tiến bộ Thể chế của HKUST cho biết, hiện, cơ sở này đã chiêu mộ được hơn 1/3 số lượng giảng viên. "Trường không chỉ áp dụng mức thu thập hấp dẫn, mà còn tạo điều kiện linh hoạt để các học giả có thể làm việc ở cả hai cơ sở, hưởng lợi từ các nguồn lực và kinh phí được chia sẻ miễn phí", ông nhấn mạnh.

Giáo sư Wang Yang - Phó chủ tịch bộ phận Thể chế - Tiến bộ Thể chế của HKUST. Ảnh: HKUST
Giáo sư Wang cũng cho biết thêm, bên cạnh các suất học bổng hấp dẫn cho sinh viên ưu tú, HKUST sẽ hợp tác với một tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam để thúc đẩy phát triển tài năng, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao kiến thức giữa hai nước vào cuối năm nay. Ông nhận định hợp tác giữa HKUST và các đối tác trong lĩnh vực học thuật lẫn công nghiệp tại Việt Nam mang đến tiềm năng rất lớn.
"Blockchain, sản xuất thông minh, trí tuệ nhân tạo và khai thác dữ liệu đang là chủ đề nóng trong giới học giả Việt Nam, đồng thời, là những lĩnh vực thế mạnh của HKUST. Do đó, tôi thấy có nhiều cơ hội hợp tác ở đó", ông lý giải.
Thiên Minh