Dù chịu nhiều tác động do dịch bệnh trong hai năm qua, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận một số thành tích nhất định nhờ sự bùng nổ thương mại điện tử. Theo báo cáo của Google, Temasek, Bain & Company, Việt Nam có thêm 8 triệu người dùng kỹ thuật số mới từ khi dịch bùng phát. Tỷ lệ duy trì sử dụng cũng ở mức cao với 97% người dùng mới tiếp tục sử dụng dịch vụ trực tuyến; 99% có ý định duy trì thói quen này trong tương lai.
Báo cáo "Xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch: Nhìn từ chuỗi cung ứng trong giai đoạn bình thường mới" của hãng tư vấn TMX cũng ghi nhận 60% các lãnh đạo doanh nghiệp Việt nói chung, tin rằng sẽ có nhiều ứng dụng công nghệ và công cụ kỹ thuật số triển khai trong tương lai. Đồng thời, 58% khẳng định sẽ ưu tiên áp dụng ngay các giải pháp kỹ thuật số mới nhất trong hoạt động kinh doanh của họ sau đại dịch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Giám đốc Thương mại GHN cho biết: "Nắm bắt cơ hội này, nhiều người bắt đầu khởi nghiệp bán hàng trực tuyến thời gian gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những bài toán về nguồn hàng, kênh bán và quảng cáo, việc tối ưu chi phí giao nhận với họ mới là thử thách hàng đầu".
Thêm vào đó, người tiêu dùng hiện nay ngày càng thông minh với những yêu cầu cao về dịch vụ, sản phẩm. Họ kỳ vọng đơn hàng giao nhanh, an toàn, tiết kiệm với tỷ lệ thành công cao. Đây đều là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của chủ shop. Tỷ lệ nội dung phản hồi sau khi mua sản phẩm liên quan đến khâu vận chuyển cũng cao hơn các yếu tố khác.
Là một trong những doanh nghiệp e-logistics lớn tại Việt Nam, GHN đặt mục tiêu liên tục điều chỉnh để tốt hơn mỗi ngày. Nhờ không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ, 300.000 nhà bán hàng online đối tác sở hữu tỷ lệ đơn giao thành công cao, cạnh tranh với tỷ lệ hoàn hàng ở mức tối thiểu.
"Việc cải tiến hoạt động nhằm hỗ trợ sát sao, tối ưu các chủ shop là kim chỉ nam và chìa khóa giúp GHN giữ vị thế trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện tại. Trước đây, chúng tôi tập trung vào các sàn thương mại điện tử lớn. 2-3 năm gần đây, GHN mở rộng cung cấp dịch vụ cho các SME kinh doanh online trên nhiều nền tảng khác", đại diện GHN cho biết.
Nhờ đó thị phần GHN tăng trưởng nhanh trong những năm qua. Kết quả nghiên cứu thị trường e-logistics cho thấy năm 2021 GHN giữ vị trí thứ 4, nay đã vươn lên vị trí thứ hai về lượng đơn hàng xử lý mỗi ngày sau hơn hai năm gia nhập thị trường SME.
Ngoài ra, để trợ lực cho các chủ shop tăng trưởng kinh doanh trong bình thường mới, GHN triển khai chiến dịch "Tận tâm 100%". Đơn vị đưa website lamgiau.ghn.vn vào vận hành với vai trò là một trung tâm thông tin, tổng hợp các bí quyết kinh doanh trực tuyến cho nhà bán hàng. Website được xây dựng sau khi công ty nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều báo cáo, khảo sát về thị trường kinh doanh trực tuyến.
Đồng thời, đây cũng là diễn đàn cho các shop online trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó xây dựng cộng đồng các nhà bán hàng thành công, vững mạnh. Ngay từ khi ra mắt website, GHN đã mời các chuyên gia kinh doanh online hỗ trợ, cập nhật thông tin, xu hướng và kinh nghiệm bán hàng thực chiến cho các chủ shop.
Hoạt động này hiện tổ chức theo chuỗi webinar với 4 chủ đề đầu tiên, bao gồm: 5 cách giữ chân khách hàng shop online nên biết; Chuẩn bị gì để livestream bán hàng chốt nhiều đơn; Cách kiếm 100 đơn hàng đầu tiên khi mới mở shop; 4 nguồn hàng kinh doanh chủ shop cần biết.
Với nỗ lực hỗ trợ toàn diện từ khâu chuyên môn về dịch vụ giao nhận đến cập nhật kiến thức kinh doanh thực chiến cho chủ shop, GHN ngày càng thắt chặt quan hệ với khách hàng bằng phương châm "sự phát triển của khách hàng là cơ hội nâng cao thị phần cho đơn vị trong tương lai".
"Thị trường e-logistic vẫn đang tăng trưởng nhanh chóng. GHN đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư con người, công nghệ và hạ tầng để ‘Tận tâm 100%’, giúp khách hàng kinh doanh thành công thông qua việc nỗ lực hết mình, giao từng đơn hàng đến tận tay người nhận", đại diện GHN chia sẻ.
Nguyệt Di