Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, cơ cấu tổ chức của trường đại học phải có hội đồng trường với rất nhiều quyền lực. Thành phần của hội đồng trường cơ bản độc lập với bộ máy quản lý của hiệu trưởng, có các quyền của tổ chức quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trưởng, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính... Trong khi đó, hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và quyết nghị của hội đồng trường.
Hội đồng trường đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai tự chủ đại học. Tuy nhiên, GS Trần Đức Viên lại cho rằng hiện hội đồng trường trong nhiều trường đại học không có thực quyền, "chỉ vẽ thêm vào cho có vẻ dân chủ và đổi mới".
Tại hội thảo "Tự chủ đại học - từ chính sách đến thực tiễn" diễn ra hôm 27/11 ở Hà Nội, ông Viên thông tin tính đến ngày 30/10, chỉ hơn 50 hội đồng trường được thành lập trong tổng số 175 đại học công lập (chiếm 28,6%). Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đốc thúc các cơ quan quản lý trực tiếp các trường để đến hết năm 2020 về cơ bản các đại học công lập đều có hội đồng trường.
"Nếu thiếu vắng sức ép về mặt hành chính, có lẽ không ít trường vẫn đứng ngoài công cuộc tự chủ đại học. Còn với các trường đã thành lập hội đồng trường rồi, dường như thiết chế này vẫn đang hoạt động như bộ máy quản lý mở rộng của hiệu trưởng", ông Viên nói.
Nguyên giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ ra thực tế hầu hết hiệu trưởng trường được giao thí điểm tự chủ (23 trường) chưa thực sự sẵn sàng về tâm và thế để đón nhận thiết chế hội đồng trường nên tổ chức này không thể mạnh, dẫn đến nhà trường không thể thoát ra khỏi cơ chế chủ quản.
Về mặt tâm lý, hiệu trưởng không muốn chia sẻ quyền lực với hội đồng trường, không muốn "tự dưng lại có một tổ chức đứng trên đầu mình".
Về mặt quyền lực, khi được cấp trên yêu cầu phải thành lập hội đồng trường, hiệu trưởng thường tìm một người cùng "cánh" với mình, để "gánh vác" nhiệm vụ quan trọng này. "Vì thế, chủ tịch hội đồng trường thường là một anh trưởng phòng, cũng có thể là chị chủ tịch công đoàn, cùng lắm là một phó hiệu trưởng được đôn lên nhận nhiệm vụ mới", ông Viên chia sẻ.
Còn về pháp lý, trong quản lý và điều hành nhà trường, hiệu trưởng không thấy có bất cứ sự ràng buộc thực tế nào với hội đồng trường. Ông Viên nhận định theo các quy định hiện hành, quyền lực của hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam là "to nhất" so với bất kỳ nước nào trên thế giới và quyền hành ấy không hề thay đổi dù trường đã hay chưa tự chủ. Ban giám hiệu nhà trường vẫn giữ vị trí cao nhất và quyết định gần như mọi việc trong đối nội và đối ngoại của một cơ sở giáo dục.
Một lý do khác khiến các hiệu trưởng chưa muốn tiếp nhận thể chế hội đồng trường là hiện trạng không ít trường đại học tỏ ra miễn cưỡng, hình thức trong việc minh bạch hoá các thông tin. Theo ông Viên, điều đó sẽ được khắc phục khi có hội đồng trường thực sự bởi tổ chức này sẽ giám sát hoạt động của hiệu trưởng, trong đó có kiểm toán, giám sát tài chính nội bộ và các hoạt động khác.
Khi quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục được nâng cao, nghĩa là phải tăng tính công khai, minh bạch, hiệu trưởng phải thực hiện trách nhiệm giải trình về các hoạt động của nhà trường với hội đồng trường. "Đó là điều rất ít hiệu trưởng muốn", ông Viên nói, nhận định những lý do trên khiến không ít hiệu trưởng trường đại học thí điểm tự chủ chưa sẵn sàng trao quyền cho hội đồng trường; việc thành lập hội đồng trường còn mang tính đối phó, chiếu lệ, hình thức.
Trao đổi với các đại biểu về những vướng mắc trong triển khai tự chủ đại học, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh yêu cầu nhận thức đúng về vai trò, vị trí, quyền hạn của hội đồng trường.
Theo Phó thủ tướng, khi một trường đại học tự chủ, một phần quyền lực của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước, hiệu trưởng, ban giám hiệu sẽ dịch chuyển sang hội đồng trường. Tổ chức này hoạt động theo cơ chế tập thể, tạo sự đồng thuận, từ đó ngăn chặn được những ý kiến cực đoan, nguy cơ sai phạm trong quá trình thực hiện tự chủ đại học. Vì vậy, để triển khai tự chủ đại học thiết thực, các trường phải thành lập hội đồng trường theo đúng pháp luật.
Về mối quan hệ giữa hội đồng trường và đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường sẽ kiêm bí thư đảng ủy để gắn kết hai cơ quan trong việc cho ý kiến về các vấn đề, định hướng lớn trong phát triển của trường; thực hiện việc giám sát.
Những vướng mắc hiện nay về thành lập hội đồng trường, theo Phó thủ tướng, chủ yếu do nhận thức chưa thông trong các trường mà nhiều nhất do nhận thức của đội ngũ lãnh đạo.
"Bản thân một số hiệu trưởng không muốn mất quyền của mình, không muốn chuyển giao bớt quyền của mình sang bên hội đồng trường, vẫn muốn tôi làm hiệu trưởng thì tôi là to nhất trong trường. Luật ra đến bây giờ vẫn có đồng chí hỏi hiệu trưởng to hay hội đồng trường to", ông Đam nói, cho rằng giờ phải định hướng rõ cho các trường, hiệu trưởng thì không kiêm bí thư đảng ủy.