Thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em tại Quốc hội ngày 27/5, ông Phạm Trọng Nhân, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế, đã nêu quan điểm trên.
Theo ông, "các hành vi xâm hại trẻ dù được soi rọi qua nhiều lăng kính, quy định pháp luật, nhưng vẫn còn nhiều góc khuất khác, đang diễn ra công khai".
Ông đặt vấn đề, khi cậu bé 4 tuổi oà khóc vì không đoạt giải nhất trong một game show truyền hình, ai đã có hành vi xâm hại trẻ em? "Việc làm cho đứa trẻ 4 tuổi phải bật khóc nức nở trên sóng truyền hình vì thua người khác và video đó được hàng triệu người xem, tồn tại với thời gian trên mạng, có phải là hành vi xâm hại trẻ em khi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ, theo Luật Trẻ em?", ông Nhân nói.
Vì vậy, ông cho rằng nhiều chương trình thực tế có trẻ em tham gia hiện nay "là sự đối đầu của các nhà sản xuất trước lợi nhuận, bất chấp giá trị phi đạo đức". Với ông, kịch bản các chương trình đều hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt, trẻ em trong các chương trình này không khác gì "con rối" của các nhà sản xuất.
"Nhìn những giọt nước mắt khi bị loại khỏi cuộc chơi hay những lúc căng như dây đàn mong đến lượt biểu diễn và chờ nghe kết quả thì tội tình gì để những đứa trẻ phải chịu áp lực đến như vậy. Đâu là tình thương và đâu là sự bất nhẫn của người lớn đối với những tâm hồn của những đứa trẻ chỉ 5, 6 tuổi", ông Nhân nói và nhấn mạnh, nhiều nước tiến bộ đã cấm chương trình thực tế có trẻ em.
Theo ông, hành lang pháp lý dù có chặt chẽ cũng chưa đủ nếu thiếu nền tảng ý thức, sự quan tâm, yêu thương trẻ con. "Các đạo luật chỉ mang tính ngăn ngừa và xử lý vi phạm. Điều cần thiết vẫn chính là những trái tim nhân hậu, tình thương yêu đúng mực đối với con trẻ. Bởi trẻ em chính là chìa khóa để mở cánh cửa vận mệnh của tương lai đất nước".
Trong cuộc thảo luận hôm nay, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp lại nêu nhiều thủ đoạn tinh vi của tội phạm xâm hại trẻ trên mạng. "Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh bạo lực, xâm hại trẻ em được đưa lên mạng. Một khảo sát cho thấy 4 trẻ được hỏi thì một em nói đã có trải nghiệm đau buồn khi dùng mạng xã hội. 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, số trẻ gái bị bắt nạt cao gấp 3 lần trẻ nam", bà Thuỷ nêu.
Thủ đoạn mà tội phạm thường dùng là lập phòng trò chuyện ảo, tham gia các website, diễn đàn để tìm kiếm, nhắn tin làm quen. Những người này lấy tên tuổi, hình ảnh giả và tạo ấn tượng ban đầu với trẻ là người có học thức, cuộc sống khá giả, hiểu tâm lý, sở thích, sẵn sàng chia sẻ. Một thời gian sau, chúng chuyển chủ đề từ học hành, sở thích sang tình dục, lôi kéo trẻ cùng xem phim, xem hình ảnh khiêu dâm.
"Bước tiếp theo, chúng dụ dỗ trẻ phơi bày các bộ phận cơ thể, tạo dáng biểu diễn tình dục trước máy quay giống như trong phim. Những hình ảnh này sẽ bị sử dụng để ép trẻ quan hệ tình dục, nếu không sẽ phát tán", bà nói.
Tại Đà Nẵng, trong năm 2019 công an đã phá vụ án kẻ xấu đã dùng thủ đoạn đăng tin tuyển lao động với mức lương cao sau đó tiếp cận, dụ dỗ các thiếu nữ quan hệ tình dục rồi phát trực tiếp có thu phí với người xem.
Bà Thủy nhấn mạnh "xâm hại trẻ em trên mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều so với các vụ xâm hại ngoài xã hội". Những vụ xâm hại ngoài đời chỉ có một vài người chứng kiến, nhưng hình ảnh xâm hại trên mạng thì có thể theo trẻ suốt đời.
"Trẻ thường thông minh, yêu thích công nghệ, khám phá điều mới mẻ, nhưng lại quá non nớt trước thủ đoạn của kẻ xấu. Trao cho trẻ một chiếc điện thoại thông minh nhưng không hướng dẫn cách dùng an toàn thì thậm chí ngồi trong nhà với cha mẹ, trẻ vẫn có nguy cơ bị xâm hại", bà Thuỷ cảnh báo.
Bà khuyên phụ huynh không nên quá lo lắng để cấm hoặc có biện pháp theo dõi chặt chẽ trẻ trên mạng. Cách làm này chỉ làm trẻ cảm thấy bị theo dõi, sẽ "đóng lại cánh cửa chia sẻ với cha mẹ khi có vấn đề xảy ra". Thay vì vậy, phụ huynh nên dành thời gian thoả đáng hướng dẫn trẻ dùng mạng an toàn.
Bà đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên mạng vào giờ tin học. Bộ Công an nêu rõ các phương thức của tội phạm này để trẻ em và gia đình cảnh giác.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, cũng nhận định, "hành lang pháp lý bảo vệ trẻ hiện chỉ mang mô hình ngôi nhà chứ chưa phải là ngôi nhà an toàn, kiên cố, vững chắc cho trẻ".
Bà đề xuất, để bảo vệ trẻ em thì "phải xây dựng ngôi nhà vững chắc từ nền móng" dựa trên ba trụ cột cơ bàn là chính sách pháp luật về chăm sóc, giáo dục, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ và xâm hại trẻ. Các quy định pháp luật phải bảo vệ trẻ ở ba cấp độ, ngăn ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
Đồng thời, bà Hiền đề xuất xử lý người đứng đầu cơ quan, địa phương nếu để xảy ra nhiều vụ việc xâm hại trẻ em.
Đáp lại các ý kiến thảo luận tại hội trường, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm túc những yêu cầu, khuyến cáo của đoàn giám sát và Quốc hội.
Một trong những giải pháp bảo vệ trẻ được ông Đam nhấn mạnh là xây dựng mô hình quản lý rủi ro và đưa ra quyết định dựa trên phân tích dữ liệu. "Muốn vậy, cần hệ thống hoá những nguy cơ và hình thành dữ liệu về trẻ em", ông nói.
Ông cũng kêu gọi người dân bỏ các thói quen không còn phù hợp như "yêu cho roi cho vọt", bao bọc trẻ hơn mức cần thiết, dẫn đến hạn chế lắng nghe trẻ.
"Những vụ việc trẻ em bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục bởi những người thân, thầy giáo hay người ruột thịt đáng lên án và xử lý nghiêm khắc, nhưng cũng chỉ là rất cá biệt và không thể làm thay đổi được hình ảnh tốt đẹp của người thầy hay giá trị của gia đình Việt Nam", Phó thủ tướng nói.