Gần 15 năm dạy tiểu học, cô Đào Thị Hương (giáo viên ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) được tăng lương hồi đầu năm, thành 6 triệu đồng mỗi tháng. Cô có con trai đang học lớp 11, con út học cấp hai. "Đứa lớn học trường chuyên, đang phân vân giữa nhiều ngành để đặt kế hoạch thi đại học. Tôi cho con thoải mái lựa chọn, nhưng khuyên không nên theo nghề mẹ bởi lắm chông gai", cô Hương nói.
Cô Đào Thị Hương. Ảnh: Lê Nam |
Đầu năm 2000, với tấm bằng cao đẳng sư phạm, cô Hương mất nhiều tháng xin việc mới được nhận vào dạy hợp đồng ở một trường huyện cách nhà hơn 30 km. Gần chục năm sau, cô cùng chồng làm bộ đội ở tỉnh sống trong căn nhà tập thể chật chội ở ngoại thành. Sáng cô phải thức dậy sớm để chạy xe máy cho kịp giờ dạy, đến chiều tối mới về.
Lương mới vào nghề rất thấp, ngoài việc trên trường, vợ chồng cô làm thêm vườn tược, chăn nuôi để có đồng ra đồng vào. Khi có con nhỏ, cuộc sống thêm khó khăn. Nhiều hôm cô phải gửi con cho ông bà để xuống huyện dạy học.
Học sinh ở huyện phần lớn là con em dân tộc thiểu số, học lực yếu nên công việc càng vất vả. Sau giờ dạy chính, giáo viên phải phụ đạo cho các em và đôi khi phải đến tận nhà vận động cha mẹ cho con đi học. "Lương vẫn vậy nhưng thêm nhiều việc không tên, giáo viên ở vùng xa rất thiệt thòi", cô giáo kể.
Mấy năm trở lại đây, kinh tế gia đình tạm ổn khi xây được căn nhà và cô được chuyển về dạy ở thành phố. Cô giáo không khỏi chạnh lòng khi thấy có đồng nghiệp trẻ chuyển nghề, có người phải bán mỹ phẩm, quần áo trên mạng hoặc làm thêm đủ việc để bám trụ công việc "gõ đầu trẻ".
Theo cô Hương, giáo viên, đặc biệt ở cấp học nhỏ đang chịu áp lực lớn từ phụ huynh, xã hội. Học trò thời nay biết chữ sớm, nhiều em học lớp một đã biết dùng điện thoại, máy tính bảng nên thường bị phân tâm rất nhiều khi lên lớp. Việc dạy chữ cho con trẻ lại khó hơn, đòi hỏi giáo viên phải tập trung và nhiệt huyết hơn. Ai không khéo, hoặc trong những lúc căng thẳng có hành vi, lời nói không đúng với trẻ thường bị phụ huynh phản ứng dữ dội.
"Giáo viên khi lên lớp, ai chẳng tâm huyết, mong muốn trò tiến bộ. Nhưng điều kiện xã hội đã khác, nghề giáo lại thêm những gánh nặng vô hình", cô Hương chia sẻ.
Cô giáo 41 tuổi cho rằng, dẫu có lúc bị điều tiếng nhưng nhiều người vẫn bám nghề không hẳn vì không tìm được việc khác mà với nhiều người đó là cái nghiệp, không bỏ được. "Còn yêu nghề thì còn làm được nhưng bằng trải nghiệm của mình, tôi không muốn các con theo nghề vất vả như mẹ".
Với những trăn trở khá giống cô Hương ở Gia Lai, cô Nguyễn Thị Lan Hương (Phó hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, TP HCM) đang băn khoăn định hướng nghề cho con gái đang học lớp 11. Gia đình có truyền thống nghề giáo, cô nửa muốn con theo nghề, nửa không muốn. Khi con gái thỏ thẻ với mẹ mơ ước vào ngành thiết kế, cô Hương thuận lòng "tùy con lựa chọn".
Cô Hương nhớ lại những ngày cắp sách đến trường ở Sài Gòn hơn 30 năm trước, học trò thời đó nhìn thầy cô như những thần tượng, gặp đâu là cung kính đó. Thời đó, cô thầm ngưỡng mộ mẹ, vốn là giáo viên dạy toán cấp ba ở quận Gò Vấp khi hàng năm bao lớp học trò quây quần về nhà cô giáo thăm hỏi ân cần. "Chính sự ngưỡng vọng đó cùng với chút mê nghề mà mẹ truyền cho, tôi đã quyết tâm thi vào sư phạm", cô Hương kể.
Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng |
Hơn 25 năm trong nghề, nữ giáo viên này chứng kiến sự thay đổi trong góc nhìn của học trò về nhà giáo. Những năm đầu đi dạy, cô nhận được cảm giác ngưỡng mộ từ học trò như mẹ trước đây. Học trò cũ những năm 1990 vẫn giữ liên lạc với cô giáo cũ và không quên những lời chúc mừng mỗi ngày Nhà giáo Việt Nam. "Có người nay đã có con lớn, học ở trường tôi. Mỗi dịp tựu trường lại gặp lại, cô trò vẫn hàn huyên đầy ắp kỷ niệm", cô giáo dạy Văn kể, ánh mặt rạng ngời.
Khoảng gần chục năm trở lại đây, khi kinh tế, công nghệ phát triển, học trò bị chi phối bởi quá nhiều tiện nghi, không còn chuyên tâm học hành và nhiều ánh mắt ngưỡng mộ thầy cô như trước đây. Cách nhìn của xã hội, phụ huynh với nghề giáo cũng thay đổi. Nhiều bậc làm cha mẹ xem nhà trường như một nơi làm dịch vụ, họ trả tiền và đòi hỏi khắt khe.
"Giáo viên chắc chắn sẽ có phút chạnh lòng, rằng nghề càng ngày càng bạc bẽo nhưng suy nghĩ tích cực hơn thì hãy cho rằng đó là sự thay đổi bình thường. Mình không thích nghi được điều đó lại trở nên lạc hậu", nữ hiệu phó chia sẻ.
Lý giải về việc ít người trẻ ngày nay chọn theo sư phạm, cô cho rằng do "tính thực dụng của xã hội lớn hơn". Xã hội sẽ chọn nghề nào kiếm được lương bổng cao, có cơ hội thăng tiến. "Nếu chọn đi dạy thì cả đời đứng bục giảng. Khi học trò không nhìn nhận nghề giáo là cao quý, mang lại nhiều hứng khởi mà lương thấp, chịu nhiều áp lực thì chắc chắn sẽ quay lưng", cô Hương nói.
Cũng theo nữ hiệu phó, các chính sách của cơ quan phụ trách giáo dục cũng là nguyên nhân khiến nhiều người "ngán" nghề giáo. Nhiều thay đổi về chương trình, phương án thi cử liên tục khiến giáo viên mệt mỏi, ngốn nhiều thời gian cho công việc khiến họ không còn khoảng trống cho bản thân, gia đình.
Cô Hương đơn cử quy định về cấm dạy thêm, học thêm một cách cứng nhắc, quy chụp thời gian qua khiến nhiều giáo viên bị tổn thương. "Khi mọi người dễ dàng tìm được thông tin tiêu cực về nghề giáo trên mạng xã hội, khi nhìn nhận vào một cá thể không tốt mà suy rộng cho cả ngành sư phạm, họ sẽ chẳng thiết tha với nghề này", cô nhận xét.
Hiệu phó Hương nói thêm, dư luận vừa qua nhìn vào điểm chuẩn ngành sư phạm một số trường quá thấp để lo lắng cho đội ngũ giáo viên trong tương lai không hẳn là vô lý, nhưng chưa toàn diện. Bởi một giáo viên tốt không hẳn là một người giỏi mà phải là người có kỹ năng truyền đạt, yêu nghề, tận tâm với trò. Với phương pháp đào tạo sư phạm tốt và sự chịu khó học hỏi, những sinh viên này hoàn toàn tiến bộ để ra trường làm giáo viên tốt.
"Dù bất cứ hoàn cảnh nào, nghề giáo vẫn là đáng quý trọng và người đứng trên bục giảng vẫn luôn tâm huyết mang con chữ đến học trò. Còn chuyện chọn con có theo nghề của tôi hay không, tôi hoàn toàn tôn trọng", cô Hương chia sẻ.
Mạnh Tùng