Chị Lê Thị Hạnh cùng nhiều giáo viên đang công tác tại trường THPT Tĩnh Gia 5 (huyện Tĩnh Gia) vừa gửi đơn đến cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét chế độ tiền lương và chính sách tuyển dụng… Cho rằng cơ chế tuyển dụng viên chức bất cập, nhóm giáo viên này đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp dù họ đều đã cao tuổi và có thời gian dài đứng trên bục giảng.
Theo chị Hạnh, năm 2008 chị cùng hàng chục giáo viên khác được Hiệu trưởng trường THPT Bán công số 1 Tĩnh Gia là ông Phạm Văn Ninh ký hợp đồng thử việc. Ông Ninh sau đó chuyển công tác, số giáo viên trên lại ký tiếp hợp đồng có thời hạn với hiệu trưởng mới là ông Nguyễn Ngọc Thơi. Số giáo viên này được đóng bảo hiểm xã hội và được tăng lương theo ngạch bậc viên chức.

Trường THPT Tĩnh Gia 5, nơi nhiều giáo viên có nguy cơ thất nghiệp sau nhiều năm công tác. Ảnh: Lam Sơn.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2014 số giáo viên trên bất ngờ nhận được thông báo, do ngân sách eo hẹp, trường chỉ có thể trả lương mức 1.150.000 đồng mỗi tháng (bằng mức lương tối thiểu chung do nhà nước quy định) và sắp tới sẽ thanh lý hợp đồng khiến họ rất hoang mang.
Trước đó năm 2010, trường Bán công số 1 Tĩnh Gia chính thức chuyển sang hệ công lập với tên gọi trường THPT Tĩnh Gia 5. Tại thời điểm này nhà trường đã có 43 giáo viên được biên chế, còn 33 giáo viên hợp đồng có thời hạn. Để đáp ứng nhân lực, năm 2011, trường THPT Tĩnh Gia 5 tuyển dụng thêm 22 giáo viên theo tiêu chuẩn tuyển dụng của Sở GD&ĐT Thanh Hóa quy định. Song số 33 giáo viên trong diện hợp đồng ngắn hạn nêu trên không được tuyển dụng với lý do “không nằm trong danh sách theo dõi của Sở”.
Nghị định 29/2012 của Chính phủ và Thông tư 15/2012 của Bộ Nội vụ nêu rõ: Người có kinh nghiệm đang công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển; trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng thì được xem xét tuyển dụng đặc cách vào biên chế. |
“Chúng tôi đã đồng cam cộng khổ với ngành, với trường, dành biết bao tâm huyết tuổi trẻ cho nghề, cho bao thế hệ học sinh (người ít nhất cũng đã 8 năm và người nhiều nhất có 14 năm trong nghề), vậy mà lại có nguy cơ thất nghiệp. Bây giờ trong số chúng tôi có người đã ở ngưỡng 40 tuổi, nhìn lại những gì đã cống hiến thì sự đối đãi của của Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Thanh Hóa như vậy là không công bằng”, chị Hạnh bức xúc.
Ông Nguyễn Ngọc Thơi, Hiệu trưởng trường THPT Tĩnh Gia 5 thừa nhận, việc nhiều giáo viên của trường sắp bị thanh lý hợp đồng là đúng. Đây là hậu quả của người tiền nhiệm để lại. “Số giáo viên này được hiệu trưởng cũ ký hợp đồng tuyển dụng, nhưng không báo cáo lên Sở Giáo dục, do vậy khi tiến hành tuyển dụng, các giáo viên trên đã không nằm trong danh sách ưu tiên”, ông Thơi nói.
Về phương án giải quyết, ông Thơi cho hay, quan điểm chỉ đạo của Sở là đề nghị chấm dứt hợp đồng với số giáo viên dôi dư này do ngân sách nhà trường không kham nổi. “Trước mắt, 10 giáo viên dôi dư vẫn được bố trí giảng dạy để họ có thời gian đi tìm việc khác”, ông Thơi cho biết thêm.
Liên quan tới vụ việc trên, ông Phạm Văn Ninh (nguyên hiệu trưởng), hiện giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tĩnh Gia cho biết, thời trường còn là bán công theo quy định của tỉnh và Sở Giáo dục thì ngoài số giáo viên biên chế, nhà trường được quyền ký hợp đồng tuyển thêm giáo viên, tùy vào thực tế.
“Năm 2010 trường được chuyển sang hệ công lập, đến năm 2011 trường có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên với số lượng hơn 20 người. Do thầy Thơi không quan tâm đến số giáo viên trên nên khi tuyển dụng xong xuôi trường mới làm danh sách xin cấp trên, vì vậy các giáo viên này mới không được vào biên chế”, ông Ninh phân trần và cho hay sẽ bàn với thầy Thơi chưa thanh lý hợp đồng với các giáo viên này để chờ có đợt thi tuyển giáo viên sẽ ưu tiên cho họ vào biên chế.
Bà Hoàng Thị Bình, chuyên viên phụ trách giáo viên các trường trực thuộc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, đã nhận được đơn phản ánh của các giáo viên trường THPT Tĩnh Gia 5, tuy nhiên không có cách giải quyết nào khác. “Các giáo viên nói trên thuộc diện hợp đồng của trường, không nằm trong danh sách biên chế của Sở, do vậy nhà trường có quyền thanh lý hợp đồng khi không còn nhu cầu”, bà Bình nói.
Lý giải việc vào năm 2011 trường Tĩnh Gia 5 tuyển hơn 20 giáo viên, song các giáo viên cũ vẫn không được chấp nhận, bà Bình cho hay, do không đủ yêu cầu theo quy định Sở đề ra. Theo bà Bình, trong hướng dẫn tuyển dụng của Sở, mục ưu tiên ngoài con em liệt sĩ, người có công, tiến sĩ… thì không có mục nào hướng dẫn giữ nguyên hay đặc cách giáo viên đang dạy lâu năm ở trường.
Lê Hoàng