Ông Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết thông tin trên tại hội thảo "Giáo dục trong thế giới số" ngày 6/12.
Năm ngoái, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện một khảo sát trên quy mô cả nước với hơn 5.000 giáo viên; 130.000 học sinh tiểu học và trung học. Kết quả cho thấy sự chênh lệch về mức độ tiếp cận và kỹ năng công nghệ của cả hai nhóm.
Có hơn 20% giáo viên tham gia khảo sát chia sẻ thường xuyên tiếp cận và sử dụng công nghệ để hỗ trợ giảng dạy, 15% chưa bao giờ hoặc rất ít khi sử dụng.
Ngoài ra, gần 50% giáo viên, chủ yếu ở khu vực khó khăn, nói không thể tiếp cận các tài liệu dạy học số. 39% trường trung học chưa phát triển được tài nguyên số.
"Những con số này cho thấy chúng ta có nhiều cải thiện về đầu tư hạ tầng, con người nhưng vẫn còn nhiều rào cản trong thực hiện chuyển đổi số", ông Vinh nói.
Hiện, với hơn 78 triệu người sử dụng Internet (khoảng 80% dân số), cùng 168,5 triệu kết nối di động, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng lợi thế tỷ lệ dân số vàng và chất lượng đào tạo Toán, Công nghệ thông tin ở mức cao, ông Vinh đánh giá Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số, từ đó đạt được những bước tiến mới về giáo dục.
TS Trịnh Thị Anh Hoa, Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhìn nhận một trong những hạn chế hiện nay là năng lực công nghệ của giáo viên và người học. Bà cho rằng cần có những khóa tập huấn chuyên sâu cho giáo viên, đồng thời xây dựng các chương trình về kỹ năng số cho học sinh từ sớm.
Bà Tara O'Connell, Trưởng Chương trình giáo dục của UNICEF Việt Nam, khẳng định tổ chức này sẽ đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch chiến lược và hỗ trợ triển khai chương trình chuyển đổi số trong giáo dục. Trong đó có giải pháp thúc đẩy sử dụng công cụ kỹ thuật số cho cán bộ quản lý, giáo viên.
Năm 2022, Thủ tướng phê duyệt đề án tăng cường ứng dụng thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030. Một trong những mục tiêu đến năm 2025 là đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động thiết yếu, hàng ngày với mỗi nhà giáo, người học.
Cụ thể, về tiếp cận giáo dục trực tuyến, 50% học sinh và mỗi sinh viên, nhà giáo có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến; tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai bằng hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học và 10% bậc trung học...
Dương Tâm