5 năm trước, Xiao đến bang Alabama (Mỹ) học ngành thiết kế. Bố mẹ Xiao Zhang chi 211.500 USD cho con gái. Nhưng tháng 10 năm ngoái, họ bất ngờ thông báo kinh tế gia đình khó khăn không thể tiếp tục hỗ trợ Zhang.
Lúc này, tài khoản Zhang chỉ còn đủ trả tiền thuê nhà trong ba tháng trong khi cô vẫn còn một học kỳ chưa hoàn thành.
Zhang không phải là trường hợp hiếm. Mạng xã hội Xiaohongshu đã có hơn 4,5 triệu lượt tương tác với chủ đề du học sinh bị cắt giảm tiền hỗ trợ. Ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc nói gia đình gặp khó khăn kinh tế, không thể chu cấp. Một số người lên mạng xã hội để tìm lời khuyên ứng phó với tình huống này.
Khảo sát của công ty du học New Oriental Education và hãng nghiên cứu thị trường Kantar năm 2023 cho thấy 27% phụ huynh có con du học ở nước ngoài đang bị ảnh hưởng tài chính do dịch Covid-19. Con số này cao đáng kể so với 19% của 2022.
"Tôi không có thời gian để buồn vì phải lao vào kiếm tiền để trả học phí và sinh hoạt", Zhang nói.
Bố Zhang kinh doanh trong ngành dược phẩm, lỗ nặng vì Covid-19. Tài sản và các khoản đầu tư bị thu hẹp đến mức ông phải nói với con gái không thể tiếp tục chuyển tiền hàng tháng và đề nghị mua vé máy bay cho Zhang về nhà.
Zhang bắt đầu tìm các công việc bán thời gian như trông trẻ, chạy bàn nhưng mọi thứ không dễ dàng. Một tháng sau, cô mới được nhận vào công việc tạm thời ở bang khác. Suốt ba tháng, cô phải làm việc từ 7h sáng.
"Tôi mệt mỏi và không có thời gian học trong thời gian đó nhưng ít nhất đã kiếm đủ tiền để trả cho học kỳ tiếp theo", Zhang nói.
Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Giáo dục Trung Quốc, số lượng du học sinh đã đạt 703.500 vào năm 2019, tăng 6,25% so với năm trước đó.
Zhimin Yan, giám đốc công ty tư vấn du học Shenzhen Botong Management Consulting, nói đa số phụ huynh là luật sư, bác sĩ hoặc giám đốc điều hành doanh nghiệp muốn con tiếp cận nền giáo dục tốt. Đáng chú ý, bộ phận lớn chủ doanh nghiệp đưa con du học để tiếp thu kiến thức, kỹ thuật mới để phát triển công ty gia đình.
Năm 2018, khoảng 90% du học sinh đến Mỹ theo diện tự túc, không nhận học bổng hay tài trợ của chính phủ, theo số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Sự đóng góp tài chính đó đã khiến du học sinh Trung Quốc trở thành nhóm quan trọng mà các trường đại học ở Mỹ và Anh tập trung hướng đến.
Yan, người đã làm việc trong lĩnh vực du học hơn 15 năm, cho biết hầu hết phụ huynh Trung Quốc đều lên kế hoạch kỹ lưỡng trước về tài chính khi cho con du học. Họ rất hiếm cắt giảm tiền cho con cái nhưng sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch lại không mấy khả quan.
Michael Bai, 21 tuổi, sinh viên ngành lịch sử kinh tế và xã hội ở Đại học Glasgow (Anh) vừa hoàn thành học kỳ đầu tiên thì bố phá sản. Để chi trả các hóa đơn, Bai phải đi giao thức ăn, phục vụ nhà hàng, thu ngân ở cửa hàng tiện lợi.
Trong khi các du học sinh chật vật xoay xở tài chính thì học phí vẫn tiếp tục tăng. Báo cáo gần nhất cho thấy học phí đại học Mỹ năm 2023-2024 đang tăng đáng kể so với 20 năm trước, vài trường tăng gấp đôi.
Bai nói đã vượt qua khủng hoảng tài chính bằng việc bán xe cũ và các dịch vụ liên quan với bạn bè, thu nhập 75.100 USD, đủ hỗ trợ trong suốt quá trình học.
Ngọc Ngân (Theo CNBC)