Thời tiết miền Bắc đang vào mùa đông xuân thuận lợi cho virus phát triển, đặc biệt là virus cúm. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) số trẻ đến khám vì bệnh cúm mùa tăng những ngày gần đây. Chỉ trong 2 tuần, hơn 300 bé được chẩn đoán mắc cúm, nhiều trường hợp nặng phải nằm điều trị.
Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho gần 30 cháu. Nhiều bệnh nhi sốt cao, không đáp ứng với uống thuốc giảm sốt, có trẻ bị co giật. Viêm mũi, ho nhiều khiến trẻ chảy máu mũi, đau họng, mệt lả kèm theo các bệnh lý khác.
Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Bệnh thường bệnh diễn biến nhẹ, người bệnh tự khỏi vòng 2-7 ngày, điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng (hạ sốt, giảm ho, hắt hơi...). Tuy nhiên, với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa…, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng dẫn đến tử vong. Một số nhóm nguy cơ cao khi mắc cúm dễ trở nặng như người già, trẻ nhỏ, thai phụ, người mắc bệnh mãn tính.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó 3- 5 triệu trường hợp diễn biến nặng và 250.000-500.000 người tử vong. Tại Việt Nam, thập kỷ qua hàng năm ghi nhận khoảng 1-1,8 triệu ca cúm.
Bệnh do virus. Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh vì không có tác dụng, mà còn dẫn đến nguy cơ kháng thuốc. Bên cạnh đó, không nhất thiết trường hợp nào cũng cần dùng thuốc kháng virus tamiflu (chỉ nên dùng trong một số trường hợp nặng).
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Nên giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tiêm văcxin cúm mùa phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, nhất là khi triệu chứng nặng (sốt quá cao trên 39 độ C, xung quanh có người bị sốt, đau mỏi người quá mức, vật vã kích thích, không ăn uống được, trẻ có thể sốt li bì, ngủ gà...). Những trường hợp bị biến chứng viêm phổi nên đến các cơ sở y tế có điều kiện hồi sức.
Tất cả virus cúm đều gây bệnh cảnh lâm sàng giống nhau. Dù là chủng cúm nào cũng đều nguy hiểm, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người già, người mắc bệnh mãn tính.
Video một phút giúp bạn biết mình rửa tay đúng cách chưa