Vấn đề phát sinh kinh phí đền bù ở nhiều dự án trọng điểm, động lực của thành phố Đà Nẵng đã chiếm phần lớn thời gian của phiên chất vấn kỳ họp HĐND Đà Nẵng, chiều 16/12.
"Việc tăng kinh phí đền bù lên nhiều lần dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm ảnh hưởng tiến độ thi công, mất cân đối nguồn vốn và hiệu quả đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố", đại biểu Lê Anh Dũng nêu vấn đề.
Nhiều dự án tăng từ 3 đến 4 lần kinh phí đền bù, như tuyến đường trục 1 Tây Bắc của thành phố đã tăng từ 367 tỷ đồng lên 650 tỷ đồng, tuyến đường ĐH 2 tăng từ 88 tỷ đồng lên hơn 240 tỷ đồng, tuyến vành đai phía Tây tăng từ 85 tỷ đồng lên 359 tỷ đồng,...
Với việc nêu các số liệu trên, ông Dũng đặt câu hỏi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và hướng khắc phục.
Trả lời, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nói nguyên nhân tăng kinh phí đền bù ở các dự án thời gian qua chủ yếu do điều chỉnh chủ trương đầu tư; các Ban quản lý và đơn vị giải phóng mặt bằng không phối hợp chặt chẽ trong xác định dự toán kinh phí đền bù và phương án tái định cư.
Khi thực hiện chủ trương đầu tư, các đơn vị chỉ đi kiểm tra và rà soát rồi lên dự toán kinh phí đền bù mà không kiểm đếm, đo đạc và xem xét các hồ sơ cụ thể để xác định chính xác khối lượng giá trị đền bù thực tế.
"Có dự án do việc chuẩn bị đầu tư kéo dài, trong khi giá đất thị trường tăng rất nhanh, chênh lệch cao so với giá đền bù nên việc giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn", bà Tâm nói.
Do kéo dài thời gian triển khai, nhiều dự án buộc phải điều chỉnh phương án tái định cư và phương án đền bù cho người dân theo giá đất tại thời điểm điều chỉnh, dẫn đến phát sinh kinh phí đền bù cao. Ví dụ, tuyến đường 45 m đoạn từ Hồ Ngọc Lãm đến Trương Định (quận Sơn Trà), giá năm 2016 thành phố ban hành là 4,8 triệu đồng/m2, đến tháng 4/2020 tăng lên 38,9 triệu/m2 (gấp 8 lần); tuyến đường Trục 1 Tây Bắc (quận Liên Chiểu), giá đất từ năm 2016 đến nay cũng tăng từ 5,2 triệu lên 19,3 triệu đồng/m2 (bốn lần).
Vẫn theo bà Tâm, việc quản lý đô thị của các địa phương những năm trước đây cũng để xảy ra nhiều bất cập. Điều này dẫn đến tình trạng xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp, không có cơ sở bố trí đất tái định cư và là một trong những nguyên nhân làm phát sinh kinh phí đền bù.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các hướng khắc phục là các chủ đầu tư và ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ để tính toán lại toàn bộ giá trị đền bù sát, đúng; lập dự toán xây lắp cho phù hợp, tránh việc điều chỉnh chủ trương đầu tư quá nhiều như hiện nay; gắn trách nhiệm của bí thư, chủ tịch các quận, huyện và các chủ đầu tư trong việc đền bù, giải toả các dự án nhằm chủ động giải quyết các vướng mắc và đề xuất những khó khăn để thành phố cùng tháo gỡ.
Để tránh các trường hợp kéo dài thời gian thi công do ảnh hưởng của giải toả đền bù, thành phố đã yêu cầu các ban quản lý phải có mặt bằng thi công đảm bảo tối thiểu 30% thì mới được tổ chức đấu thầu giá, đồng thời kiến nghị Trung ương xem xét tách riêng các dự án đền bù giải toả.
Đánh giá phần trả lời này, đại biểu Dũng cho rằng chưa nêu rõ "ai chịu trách nhiệm" trong việc làm phát sinh kinh phí đền bù các dự án. Ông cũng cho biết việc quản lý hiện nay vẫn còn lỏng lẻo. Nhiều dự án đã công bố quy hoạch, đã cắm mốc ranh giới nhưng tình trạng xây dựng trái phép vẫn diễn ra.
Ông Dũng dẫn chứng thêm, kết quả giám sát dự án đường ĐH2 năm 2018 cho thấy ban đầu kiểm đếm cần giải toả đền bù 660 hộ, nhưng đến nay tăng lên 1.219 hộ; đường vành đai phía Tây ban đầu là 117 bộ hồ sơ, nay tăng lên 369 hồ sơ. Ngoài ra ban đầu có 128 ngôi mộ nhưng đến nay là 1.192.
Bà Tâm sau đó nói sắp tới Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm việc với từng dự án, phân tích những nguyên nhân cụ thể để xác định rõ trách nhiệm của ban giải phóng mặt bằng hay ban đầu tư xây dựng, sau đó có báo cáo gửi UBND và HĐND thành phố.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho biết các dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư chủ yếu rơi vào giai đoạn 2016-2017, sau đó chênh lệnh về giá đền bù theo từng thời điểm và phát sinh về giải toả đền bù dẫn đến nhiều dự án điều chỉnh giá đầu tư lên đến gần 20 lần.
Theo ông Triết, nguyên nhân chủ yếu từ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên phải xác định và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan, không để tình trạng "tiền đổ vào giải toả đền bù và điều chỉnh chủ trương đầu tư, rồi Hội đồng nhân dân thành phố lại phải bấm bụng thông qua vì đường đã làm được một nửa hoặc gần xong, không thể không đồng ý điều chỉnh".