Thông tin được tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam, cho biết tại Hội nghị khoa học lần thứ II hôm 25/10. Ông Dũng cho hay cả nước có 350 đơn vị chạy thận nhân tạo với 3.500 nhân viên y tế, đang lọc máu cho 33.000 bệnh nhân. Do số lượng máy chạy thận nhân tạo ít (khoảng 5.500 máy), y bác sĩ hạn chế, trong khi số người bệnh ngày càng tăng, khiến nhiều đơn vị phải triển khai 3-4 ca, thậm chí 5 ca một ngày.
Theo khảo sát của Hội Lọc máu, tại một trung tâm, một bác sĩ phải đảm nhiệm 37 máy thận nhân tạo, gây khó khăn khi xử lý các biến chứng xảy ra trong lọc máu. Ở đơn vị khác, một bác sĩ phụ trách tới 125 bệnh nhân, làm liên tục nhiều ca một ngày, kể cả dịp lễ tết, cuối tuần nhưng thu nhập không tương xứng.
"Thực trạng này không chỉ gây áp lực đến nhân viên y tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân chạy thận khi nhiều nơi phải giảm giờ chạy, thậm chí cắt buổi lọc máu", bác sĩ Dũng nói, thêm rằng trang thiết bị lọc máu còn thiếu, chậm thay thế, nhiều máy chạy thận nhân tạo có tuổi đời trên 10 năm.
Những năm qua, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tiếp cận với trình độ hiện đại của lọc máu thế giới, điển hình như lọc máu chu kỳ, thẩm tách siêu lọc máu bằng dịch bù trực tiếp, hấp phụ máu... nhưng ngành chạy thận đứng trước nhiều thách thức. Trong khi theo dự đoán, nước ta có khoảng 5 triệu người mắc bệnh thận, hàng năm thêm 8.000 ca mới, nhưng ngành thận nhân tạo chưa được đầu tư tương xứng.
Trên thế giới, như tại Mỹ, theo thống kê của CDC, nước này có hơn 7.500 cơ sở lọc máu, khoảng nửa triệu người được chạy thận nhân tạo mỗi năm, trung bình 70 người cho mỗi cơ sở, hầu hết được bảo hiểm chi trả với ước tính 114 tỷ USD vào năm 2016. Theo các chuyên gia, 80% đơn vị chạy thận nhân tạo ở Mỹ do công ty tư nhân đảm nhiệm, với hệ thống chân rết mọc khắp nơi, 15% bệnh nhân được lọc máu tại nhà.
Còn tại Nhật Bản, gần 340.000 người được điều trị lọc máu vào cuối năm 2018, với hơn 4.400 trung tâm. Tỷ lệ tử vong do bệnh thận ở Nhật Bảm là 10%, khoảng 34.000 người vào năm 2020, thấp nhất thế giới. Một nguyên nhân dẫn đến thành công của Nhật Bản là việc người bệnh dễ dàng tiếp cận các cơ sở lọc máu, theo đó bệnh nhân địa phương chỉ phải đi 10 phút là có thể đến các đơn vị chạy thận.
Trong khi Trung Quốc ghi nhận hơn 1,5 triệu bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối, nhưng chỉ có khoảng 750.000 người đăng ký được điều trị thường xuyên, theo Dịch vụ Dữ liệu Nghiên cứu. Việc không được tiếp cận với máy lọc máu là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc có tỷ lệ tử vong do bệnh thận cao, khoảng 450.000 người chết vì suy thận ở nước này mỗi năm.
Tính đến năm 2021, Trung Quốc có 6.302 đơn vị dịch vụ chạy thận nhân tạo, 90% tại các bệnh viện công, không đáp ứng đủ nhu cầu người bệnh. Do đó, nước này đang mở rộng các trung tâm chạy thận nhân tạo độc lập, giảm áp lực cho các cơ sở y tế công. Đây cũng là giải pháp được bác sĩ Dũng khuyến nghị cho Việt Nam, theo đó, Bộ Y tế cần có giải pháp để bệnh viện tư nhân mở thêm các khoa thận nhân tạo. Ngoài ra, nhà nước cần đầu tư trang thiết bị, nhân lực phục vụ số lượng bệnh nhân ngày càng tăng.
Theo một chuyên gia y tế không muốn nêu danh tính, việc mở rộng các trung tâm lọc máu là điều hết sức cần thiết vì nếu không được đáp ứng nhu cầu, bệnh nhân suy thận sẽ phải đối mặt với tiên lượng nghiệt ngã như viêm nhiễm, rối loạn điện giải, suy tim hoặc các biến chứng khác, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Dũng cho biết những bệnh lý về thận thường gặp gồm sỏi thận, viêm cầu thận, suy thận cấp - mạn tính, ung thư thận... Trong đó, suy thận cấp và mạn tính là hai tình trạng rất phổ biến, do biến chứng từ nhiều bệnh lý khác như đái tháo đường và tăng huyết áp.
Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý thận - tiết niệu mạn tính, làm chức năng thận suy giảm dần và mất chức năng hồi phục. Bệnh gây ra mức lọc cầu thận giảm, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu mạn tính. Bệnh không chỉ khiến người mắc đau đớn, mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống, mà còn có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Những dấu hiệu bệnh thận như chân tay phù, thay đổi khi đi tiểu (tiểu nhiều về đêm, tiểu có nước bọt, tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu dắt), người mệt mỏi, sút cân, có thể sốt, đau đầu... Đặc biệt, thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng đến giai đoạn cuối.
"Do đó, điều quan trọng là phát hiện bệnh sớm ở các đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và gia đình có người bệnh thận. Cần làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm tránh bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối", bác sĩ nói.
Lê Nga