Một số nhà sản xuất Android, như Samsung, Huawei, Xiaomi đã công bố các mẫu smartphone hỗ trợ kết nối 5G và sẽ bán ra thị trường ngay trong vài tháng tới. Trong khi đó, Apple tỏ ra chậm trễ trong cuộc đua do chưa tìm được đối tác hay giải pháp phù hợp với các tiêu chí khắt khe của họ.
Trong bài viết Apple chật vật tìm giải pháp 5G cho iPhone, một số độc giả bình luận rằng Apple chưa cần phải vội vã vì việc đưa kết nối này lên điện thoại ngay trong năm 2019 là quá sớm.
"Việc chạy đua về triển khai công nghệ 5G lên smartphone gần như vô nghĩa vì phải chờ hạ tầng đáp ứng thì mới có thể sử dụng được công nghệ này", độc giả Nguyễn Hoàng Hưng nhận xét.
Tương tự, độc giả Trần Hùng cho rằng: "5G giống như sản xuất siêu xe chạy 500 km/h trên cao tốc 120 km/h. Mọi thứ còn tuỳ thuộc rất nhiều vào nhà mạng khi đầu tư cơ sở hạ tầng và tuỳ vào túi tiền mua dịch vụ nữa".
Ngược lại, một số độc giả phản biện rằng "khi thiết bị 5G nhiều lên thì các nhà mạng cũng sẽ đầu tư hơn cho hạ tầng". Bên cạnh đó, nhiều hãng viễn thông trên thế giới cũng như tại Việt Nam cũng đã và đang thử nghiệm công nghệ này.

Ông Harpreet Singh, đại diện Nokia khu vực Bắc Á, đánh giá công nghệ 5G đang phát triển nhanh hơn so với dự kiến. "Cần thoát khỏi suy nghĩ 2G rồi sẽ đến 3G, 4G và tất nhiên là 5G, bởi 5G rất khác so với các 'G' trước. 5G không phải là sự thay đổi đột ngột từ 4G, mà là một hành trình dài. Chúng ta không chờ đến khi chín muồi mới triển khai mà nên đi từng bước để tiến đến đích".
Cụ thể, ở giai đoạn đầu, tính từ cuối 2018, 5G hiện diện trên các thiết bị di động như smartphone. Đến 2020, các ứng dụng 5G sẽ trở nên thịnh hành nhờ tốc độ cao, tự động hóa. Từ năm 2022 là giai đoạn của những công nghệ như Internet haptic (cảm giác, xúc giác), giúp người dùng có thể cảm thấy những gì mình nhìn thấy. Ví dụ, trong y tế, khi dùng robot để khám bệnh từ xa, bác sĩ có thể cảm nhận được nhiệt độ, bề mặt da của bệnh nhân như khi đang khám trực tiếp.
Trong khi đó, trước những ý kiến cho rằng việc ra smartphone 5G hiện còn quá sớm, hay các nhà mạng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của 4G, Jim Cathey, Chủ tịch Qualcomm Technologies khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh kết nối 5G không đơn thuần là tăng tốc độ mà còn mở ra nhiều mô hình sử dụng mới cho giao thông, y tế...
"Không bao giờ là quá sớm để hoạch định tương lai. Lên kế hoạch sớm giúp thiết lập những nền tảng cần thiết cho các công nghệ mới. Smartphone chỉ là một phần. Với băng thông rộng và tốc độ truyền tải lớn, 5G có thể phục vụ đô thị thông minh, nhà thông minh, ôtô tự hành, chăm sóc sức khỏe... khi cả thế giới bước vào kỷ nguyên Internet vạn vật", ông Cathey nói.