Trong đêm 23/7, tại tỉnh Attapeu (Lào) xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy gây thiệt hại lớn về người và vật chất. Một số doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh ở đây cho biết ít nhiều chịu thiệt hại về kinh tế; trước mắt chưa có thiệt hại về người.
Phó giám đốc kinh doanh tại Attapeu của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Việt Nam Viettel - Đặng Quang Hiếu cho biết: “Theo thống kê sơ bộ có 4 trạm thu phát sóng trên địa bàn của Sanamsay đã hoàn toàn bị tê liệt. Các thiết bị trong 4 trạm này đều không thể hoạt động. Còn 2 trạm nữa đang nằm trọn vẹn trong vùng bị chia cắt. Vì nước dâng cao quá nhanh, chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận được”.
Trong số các nhà thầu quốc tế tham gia vào dự án thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy có một doanh nghiệp Việt Nam là Công ty cổ phần Xây dựng và nhân lực Việt Nam (CMVietnam) với vai trò thầu phụ. Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Phúc - Chủ tịch HĐQT Công ty CMVietnam, sự cố vỡ đập phụ của cụm đầu mối không liên quan tới hạng mục mà công ty nhận thi công. Hiện doanh nghiệp này thi công 2 gói thầu (gói số 9 và 3) tại dự án thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy, và là nhà thầu phụ của SK Engineering & Construction (Hàn Quốc). Tổng giá trị các gói thầu mà CMVietnam đang thực hiện tại dự án này khoảng 385 tỷ đồng, gồm thi công xây dựng nhà máy, đường ống áp lực và trạm phân phối điện và hệ thống cơ điện (điều hòa, thông gió, phòng cháy, chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc…). Công tác thi công các gói thầu này đã cơ bản hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao.
Tuy không bị thiệt hại và ảnh hưởng trực tiếp, song lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay, do ảnh hưởng của thời tiết và lưu lượng nước về lớn nên công tác bàn giao của doanh nghiệp cho tổng thầu có thể bị ảnh hưởng vài tháng.
Thông báo mới nhất của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thì cho biết, có thiệt hại về hoạt động đầu tư và kinh doanh của dự án tại Attapeu, nhưng không đáng kể; không có thiệt hại về người.
Sáng sớm hôm nay (25/7) ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn đã điều trực thăng vào vùng "rốn" lũ để cứu các công nhân bị mắc kẹt. Đến buổi chiều, tất cả 24 công nhân cùng 2 trẻ em của Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp MTV Đại Thắng (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) mắc kẹt tại ngọn đồi thuộc Nông trường 12 (tỉnh Attapeu) đã được đưa ra ngoài an toàn.
Hoàng Anh Gia Lai là một trong những doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn tại tỉnh Attapeu. Tập đoàn này đã trồng 17.000 ha cao su tại đây; có một dự án thủy điện nằm ở phía Tây Trường Sơn, cách đập thủy điện bị vỡ khoảng 200 km; một nông trại cây giống quy mô nhỏ của Công ty Đại Thắng.
Dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy do công ty PNPC của Lào thi công, gồm ba con đập nằm trên các nhánh của sông Mekong. Công trình có tổng kinh phí 1,02 tỷ USD, được khởi công từ tháng 2/2013, đã hoàn thành 90% và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2019. Nhà máy có công suất thiết kế 410 megawatt, trong đó 90% điện sẽ được xuất khẩu cho Thái Lan, phần còn lại hòa vào lưới điện địa phương.Đập phụ bị vỡ là một phần của một mạng lưới gồm ba đập chính và 5 đập phụ trong dự án đập thủy điện XePian - Xe Namnoy do các nhà thầu Thái Lan, Hàn Quốc và Lào phụ trách.
Chủ thầu Hàn Quốc SK Engineering & Construction cho biết vết nứt đầu tiên được phát hiện trên đập vào ngày 22/7.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Việt Nam hiện có 280 dự án đầu tư tại Lào, với tổng vốn 5,1 tỷ USD. Riêng tại tỉnh Attapeu có 17 dự án, tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, năng lượng, chế biến, chế tạo và khai khoáng.
Lĩnh vực thủy điện đang triển khai 5 dự án tại Lào với tổng công suất 803 MW, tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Trong số này một dự án đã đi vào hoạt động, sản xuất điện; 5 dự án đang trong giai đoạn xây dựng hoặc nghiên cứu khả thi, đàm phán hợp đồng phát triển dự án với Chính phủ Lào.
Riêng tại tỉnh Attapeu có 3 dự án thủy điện của Việt Nam gồm Xekaman 1, Nậm Công 2 và Nậm Công 3, với tổng công suất 432 MW, vốn đầu tư 704 triệu USD. Trong đó dự án Nậm Công 2 và 3 đang trong giai đoạn xây dựng.
Kỳ Duyên