Tới đầu tháng 10 vẫn còn doanh nghiệp chưa tiến hành đại hội để cổ đông duyệt kế hoạch kinh doanh, cổ tức, lương thưởng của Hội đồng quản trị... cho cả năm nay. Trong khi đó, theo điều 97.2 Luật doanh nghiệp có quy định rõ “Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của Hội đồng quản trị, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá sáu tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính”.
Hiện tại, cổ đông Công ty cổ phần Bibica (mã CK: BBC) cũng chỉ biết được khoảng thời gian doanh nghiệp tổ chức đại hội để nghe báo cáo tình hình kinh doanh 2012, phương án cho 2013 là 25/10-3/11, chứ chưa biết ngày cụ thể.
Theo kế hoạch ban đầu, công ty này đại hội ngày 25/4. Tuy nhiên, số lượng cổ đông có mặt chỉ đại diện cho gần 42% cổ phần có quyền biểu quyết, thấp hơn nhiều so với quy định 65% nên đại hội không đủ điều kiện để diễn ra. Nguyên nhân chính do "sự bất đồng trong nội bộ lãnh đạo, cụ thể là Lotte và Bibica nên cổ đông lớn SSI đã không có mặt", theo giải thích của Tổng giám đốc Trương Phú Chiến.
Bibica đã làm đơn xin lùi thời hạn tổ chức đến cuối tháng 6 nhưng tới thời điểm đó cũng không có động thái nào cho thấy đại hội tiến hành. Đầu tháng 8, Sở giao dich chứng khoán TP HCM (HOSE) gửi văn bản tới Bibica nhắc nhở việc chậm tổ chức đại hội cổ đông lần 2.
Cũng vì chuyện đại hội muộn mà Công ty cổ phần SPM (mã CK: SPM) bị nhắc nhở tới 3 lần.
Ngay sau khi nhận được văn bản từ HOSE, công ty dự kiến tổ chức vào tháng 6, nhưng đến ngày 9/7 vẫn chưa thấy thực hiện nên HOSE tiếp tục nhắc nhở. Lần này, công ty hứa tổ chức trong tháng 8. Sang tới tháng 10 không có động tĩnh gì, Sở phải nhắc nhở doanh nghiệp này lần 3.
HOSE cũng lưu ý nếu công ty không tiến hành đại hội cổ đông theo lộ trình đã đưa ra, Sở sẽ xem xét áp dụng hình thức xử lý cao hơn đối với công ty.
Giải trình với HOSE, SPM cho rằng, thời gian qua, hội đồng quản trị và ban điều hành đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm. Do cố gắng hoàn thiện mục tiêu chiến lược 2013 nhằm gia tăng quyền lợi cho cổ đông nên công ty chưa thể tổ chức đại hội. Đơn vị này hứa sẽ tổ chức đại hội cổ đông chậm nhất là ngày 30/12/2013.
Công ty cổ phần đường Bình Định (sàn OTC, mã CK: BDS) cũng chỉ mới tổ chức đại hội vào cuối tháng quý III. Tới ngày 29/9, công ty mới báo cáo tình hình hoạt động và kết quả sản xuất năm 2012, kế hoạch sản xuất 2013, trình phân chia cổ tức 2012 cho cổ đông phê duyệt.
Trước đó, hàng loạt công ty hoãn đại hội nhiều lần. Cụ thể, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lâm Thủy sản Bến Tre (FBT) thay vì tổ chức ngày 26/6 phải dời sang ngày 9/8 vì "công tác chuẩn bị chưa chu đáo". Công ty cổ phần Tổng Công ty xây lắp dầu khí Nghệ An (PVA), Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng (ICG), Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại dầu khí -IDICO (PXL)... tổ chức đại hội lần thứ ba mới thành công.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, có rất nhiều lý do để giải thích cho việc đại hội cổ đông muộn, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là nội bộ doanh nghiệp có vấn đề.
“Ngoài các lý do khách quan mà doanh nghiệp công bố, tôi thấy cũng có một số trường hợp ban lãnh đạo xung khắc nội bộ, sợ họp sớm bị cổ đông truất quyền. Thậm chí có trường hợp xin họp muộn, nhưng trước đó còn rêu rao doanh nghiệp của mình sắp bị thôn tính. Tôi cho rằng nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác đối với những công ty như vậy”, ông Hải cảnh báo.
Nhìn chung, mỗi nhà đầu tư cần tự biết bảo vệ bản thân bằng cách đoàn kết để cùng loại bỏ những nhân vật không có năng lực trong ban quản trị. “Nhà đầu tư cần tinh mắt và lưu ý tất cả những điểm liên quan đến quyền lợi cá nhân. Nếu những quyền lợi này bị xâm phạm, cần đưa ban lãnh đạo của doanh nghiệp đó ra trước pháp luật để kiện hoặc đòi bồi thường”, ông Hải khuyến nghị.
Tuy nhiên, vị tổng thư ký VAFI cũng thừa nhận, tâm lý biết bảo vệ bản thân của nhà đầu tư vẫn chưa thực sự phổ biến. Còn rất nhiều trường hợp nhà đầu tư là tổ chức, ủy thác vốn cho một cá nhân và sau đó gần như phó mặc số tiền này cho đại diện vốn. “Cơ bản nhất vẫn là cổ đông phải đọc, hiểu và chịu khó đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Hải nhấn mạnh.
Còn ông Mai Vũ Thảo, Giám đốc quản lý danh mục Công ty chứng khoán Đông Á cũng cho hay, tình trạng tổ chức trễ thường chỉ xảy ra ở những doanh nghiệp có những bất thường trong quản lý điều hành như lục đục nội bộ. Điều này có thể khiến kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp này sẽ đi xuống trong ngắn hạn. Thông thường, doanh nghiệp đại hội muộn nếu không báo cáo Sở kế hoạch đầu tư, Ủy ban chứng khoán, Sở giao dịch có thể bị phạt theo quy định trong Luật doanh nghiệp hoặc các quy định về công bố thông tin.
"Ở nước ngoài, luật pháp nghiêm khắc hơn nên có thể phạt nặng hoặc bị hủy niêm yết nếu chậm công bố thông tin", ông Thảo so sánh.
Hồng Châu - Tường Vi