Thông tin này được ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn ngành công nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid-19, chiều 26/2.
Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu lớn nhất hàng hoá trung gian cho ngành công nghiệp, cũng là thị trường tiêu thụ hàng đầu. Ông Trương Thanh Hoài tính toán, dệt may, da giày, điện tử nằm trong số các lĩnh vực chịu tác động trực diện từ dịch bệnh này. Còn với ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, sản xuất ôtô tải phụ thuộc hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc, dự kiến đến cuối quý I có thể các doanh nghiệp lĩnh vực này sẽ chịu ảnh hưởng từ thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất.
"Nhiều doanh nghiệp chỉ còn nguyên liệu sản xuất đến tháng 3 hoặc sang đầu tháng 4. Sau thời gian này, nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, họ sẽ phải dừng sản xuất một phần hoặc toàn bộ", ông thông tin.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cách đây không lâu cũng cho biết, nếu sau tháng 3 vẫn thiếu nguyên liệu thì nhiều đơn vị sẽ phải đóng cửa, người lao động mất việc.
Thậm chí, nói với VnExpress, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty May Hưng Yên cho biết chỉ cầm cự được nguyên liệu đến cuối tháng 2. Lượng nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất tương đương nửa tháng chạy máy. Trong thời gian này doanh nghiệp vẫn phải trả lương, bảo hiểm cho người lao động, khiến chi phí tài chính tăng lên. Chưa kể, nếu không kịp giao hàng còn có thể bị đối tác hủy. Ông tính toán, doanh nghiệp mình có thể thiệt hại hàng triệu USD nếu dịch Covid-19 kéo dài thêm tới quý II.
Trong khi đó ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex cho biết, nhiều đơn vị thuộc tập đoàn này đã phải đàm phán kéo dài thời gian giao hàng cho đối tác 2-3 tuần vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Ông ước tính, việc chậm nguyên liệu trong nửa tháng có thể khiến toàn ngành dệt may thiệt hại 1,5-2 tỷ USD.
Thiếu nguyên liệu sản xuất do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 xảy ra tại Trung Quốc, Hàn Quốc... đã lập tức tác động tới chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm. "Giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó lĩnh vực chế biến, chế tạo, khai khoáng hay sản xuất phân phối điện đều suy giảm so với cùng kỳ", bà Nguyễn Thuý Hiền – Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng tăng 6,2%, nhưng giảm khoảng 2% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 7,4%, giảm 4% so với cùng kỳ, khai khoáng cũng giảm 1,6%, sản xuất phân phối điện giảm 1%.
Để đối phó với tình hình này, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương đề nghị các cơ quan thuộc Bộ cần tiếp tục phân tích dự báo đồng thời xây dựng đối sách để ứng phó. Thêm vào đó, kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ kép khi không chỉ nguồn cung mà cầu thế giới tại các thị trường lớn cũng sẽ ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. "Chúng ta không bi quan, không trầm trọng hoá vấn đề nhưng phải chủ động", ông nói.
Ông Trương Thanh Hoài kiến nghị, Chính phủ cần có biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu thay thế. Cùng đó, tạo điều kiện cho các chuyên gia quản lý cao cấp người nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc) sớm trở lại làm việc tại Việt Nam và cho phép họ được cách ly tại doanh nghiệp dưới sự giám sát chặt chẽ của y tế địa phương.
Ông cũng đề nghị các ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay, giãn thời gian trả nợ vay; ngành tài chính xem xét miễn, giãn, giảm thuế và hoàn thuế VAT ... cho các doanh nghiệp ở giai đoạn khó khăn về tài chính.
Anh Minh