Trong 12 nhóm chính sách hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch (Nghị quyết 68 ban hành ngày 1/7), lao động tự do nằm trong nhóm cuối cùng, được giao về cho các tỉnh thành tự thực hiện.
Nằm trong nhóm địa phương chưa ban hành quyết định hỗ trợ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết đã hoàn thiện dự thảo lần hai gửi các quận huyện, thị xã, sở ngành liên quan góp ý. Các huyện báo cáo số lao động dự kiến được hỗ trợ về Sở vào ngày 16/7. Ngày 20/7, Sở sẽ trình UBND TP Hà Nội xem xét để ban hành quyết định.
Từ cuối tháng 5 đến nay, Hà Nội hai lần tạm dừng hoạt động cơ sở ăn uống, chỉ cho bán mang về; quán cắt tóc, gội đầu. Lần thứ nhất ngày 25/5 và mở cửa trở lại ngày 22/6. Lần thứ hai hôm 13/7 cho đến khi có thông báo mới. Quán bia, ăn uống vỉa hè, cơ sở massage, rạp chiếu phim, spa, gym hơn hai tháng qua chưa được mở cửa. Lao động tự do là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc tạm dừng này.
Bắc Ninh đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ lao động, doanh nghiệp thuộc 11 nhóm chính sách trong gói 26.000 tỷ đồng. Riêng lao động tự do, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh vẫn đang khảo sát số liệu, chưa có quyết định chính thức.
Ông Nguyễn Nhân Chinh, Giám đốc Sở, cho biết trước mắt Bắc Ninh tập trung cho nhóm lao động ngừng việc, nghỉ việc, chủ doanh nghiệp vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch. Thống kê của Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh, khoảng 40.000 công nhân phải nghỉ việc từ một tháng trở lên do điều trị, cách ly hoặc cắt giảm việc làm.
Hà Tĩnh cho đến nay chưa ban hành kế hoạch hỗ trợ lao động theo Nghị quyết 68. Lãnh đạo tỉnh giải thích "đang họp bàn, chưa thể cung cấp tiến độ".
Một số tỉnh thành khác cũng đang lấy ý kiến sở ngành về hỗ trợ lao động tự do. Tỉnh Quảng Nam ngày 14/7 giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng sở ngành liên quan, các huyện xây dựng tiêu chí, xác định số lao động tự do. Mức hưởng tùy khả năng ngân sách của tỉnh và số ngày tạm dừng hoạt động chống dịch. Sau đó, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh phê duyệt.
Các Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, Bắc Giang đã xong dự thảo quyết định hỗ trợ lao động tự do, trình lên UBND tỉnh chờ ban hành. Vĩnh Phúc hai ngày trước yêu cầu các đơn vị liên quan ban hành hướng dẫn triển khai với từng nhóm chính sách, xong trước ngày 20/7. Riêng lao động tự do và nhóm đặc thù giao ngành lao động nghiên cứu, chậm nhất ngày 13/8 có hướng dẫn.
Trong khi đó TP HCM đã hoàn thành chi trả hỗ trợ cho lao động tự do nhờ chủ động đề xuất kế hoạch từ cuối tháng 5. Thành phố bước vào đợt cao điểm chi trả cho lao động có hợp đồng bị mất việc, ngừng việc, hộ kinh doanh... và xong trong tháng 7. HĐND TP Đà Nẵng đã phê duyệt tờ trình để UBND thành phố ban hành, kèm chính sách cụ thể cho nhiều nhóm lao động tự do. Đồng Nai, Vũng Tàu đã thống kê xong số lượng, lên danh sách và mức hỗ trợ cụ thể.
Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 13/7 mới có 33 trong số 63 tỉnh thành ban hành quyết định hỗ trợ lao động tự do. Việc lập danh sách gặp khó khăn do nhiều người đi làm trong doanh nghiệp nhưng không có hợp đồng, không đủ điều kiện xét hỗ trợ. Nhiều địa phương lúng túng trong triển khai, nhất là cán bộ cấp xã, huyện. Một số nơi thận trọng, cầu toàn, sợ sai sót. Việc lập danh sách mất nhiều thời gian, thủ tục phê duyệt chậm.
Cả nước hiện có 20,9 triệu lao động phi chính thức, cao nhất trong ba năm trở lại đây. Nhóm này nằm ngoài lưới an sinh, không có giao kết hợp đồng, không bảo hiểm xã hội, không lương hưu. Gói 62.000 tỷ đồng ban hành năm ngoái hỗ trợ được hơn một triệu người thuộc nhóm này với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.
Minh Cương - Đức Hùng - Đắc Thành - Võ Hải