Chính quyền thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, lên kế hoạch bán quyền vận hành di tích Lạc Sơn Đại Phật, tượng phật bằng đá lớn nhất thế giới cao 71 mét xây dựng từ thời nhà Đường, nhằm bổ sung thâm hụt ngân sách.
Theo kế hoạch, chính quyền Lạc Sơn sẽ nhượng lại quyền kinh doanh di tích Lạc Sơn Đại Phật trong 30 năm với giá khởi điểm 1,7 tỷ nhân dân tệ (244,55 triệu USD).
Đây là một trong nhiều địa phương ở Trung Quốc đang phải xoay sở tìm cách tăng nguồn thu khi đối mặt với tình trạng ngân sách bị thâm hụt trong vài năm qua.
Huyện Dung Giang, tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc, cũng quyết định bán đấu giá quyền vận hành nhà tang lễ địa phương với giá 126,8 triệu nhân dân tệ (18,24 triệu USD).
Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, các địa phương đã chi hơn 50,3 tỷ USD năm ngoái cho phòng chống Covid-19. Cộng thêm tình trạng thất thu ngân sách từ thuế, lũy kế nợ công của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc tính tới tháng 12/2022 đã lên tới 35 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng gần 5.000 tỷ nhân dân tệ so với năm trước. Điều này đồng nghĩa là gánh nặng nợ cấp tỉnh ở Trung Quốc cao hơn 20% so với GDP năm 2022 của Đức.

Tượng Phật hơn 1.300 tuổi khắc vào núi đá Lăng Vân ở thành phố Lạc Sơn, Trung Quốc. Ảnh: VCG
Khủng hoảng bất động sản cũng ảnh hưởng tới thu ngân sách của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc. Nguồn thu liên quan tới bán nhà thường chiếm 30-40% thu nhập của chính quyền các địa phương, nhưng doanh thu năm ngoái giảm gần 1/3 so với năm 2021.
Hồi tháng 9/2022, công ty giao thông công chính thành phố Lan Châu yêu cầu nhân viên vay tiền ngân hàng để trang trải khoản tiền lương bị nợ từ tháng 6. Công ty nhà nước này cam kết sẽ thay mặt nhân viên trả lại khoản nợ khoảng 90 triệu tệ (12,95 triệu USD) cho ngân hàng.
Tuy nhiên, chính quyền Lan Châu cũng đang nợ hàng tỷ USD. Năm ngoái, họ đã phát hành 2,6 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu và dùng hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ để trả lãi.
Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau khi nới lỏng chính sách Không Covid được kỳ vọng sẽ giúp cân bằng thâm hụt ngân sách. Nguồn thu từ thuế tăng gần 70% trong tháng 12/2022, thời điểm sau khi mở cửa, so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời kỳ đại dịch, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều đợt giảm thuế quy mô lớn để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng điều này lại ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách của các địa phương.
Từ năm 2020 tới 2021, 15 chính quyền cấp tỉnh đã tăng gấp đôi nguồn thu từ tiền phạt. Một số cơ quan quản lý giao thông địa phương đã yêu cầu chủ phương tiện trả "gói phạt" 2.000 tệ (288 USD) theo tháng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ hiệu quả của những cách làm này. Luo Zhiheng, nhà kinh tế học Trung Quốc, cảnh báo một số chính sách mà các địa phương đang áp dụng có thể giống như "câu cá trong hồ cạn", vắt kiệt nguồn tiền của người dân.
Houze Song, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại MacroPolo, một trung tâm nghiên cứu chiến lược, cho rằng chính quyền các địa phương đang "ưu tiên đảo nợ thay vì trả nợ". "Kết quả là nợ tiếp tục tăng nhanh hơn GDP", ông nói. "Bán quyền khai thác di tích hay gói phạt chỉ có thể giải quyết một phần nhỏ nợ nần".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)