Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề khi thiếu khách nước ngoài hai năm qua, Khánh Hòa đang kỳ vọng vào sự trở lại của du khách Trung Quốc trong 2023 sau khi nước này thông báo dự kiến mở biên giới vào 8/1. Năm 2019, Khánh Hoà đón 3,5 triệu khách quốc tế lưu trú, trong đó Trung Quốc chiếm 70%, còn lại là Nga và các nước khác. Giai đoạn Covid-19 không có thống kê vì số lượng quá nhỏ.
Đại diện Công ty CP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh giữa tháng 12 cho hay hãng hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines và China Southern đã có kế hoạch khai thác lại các đường bay với Trung Quốc từ tháng 3 và tháng 6/2023, với tần suất hơn 60 chuyến đi/về mỗi ngày.
Trước kế hoạch của hàng không, ông Võ Quang Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Khánh Hòa, cho biết nhiều điểm lưu trú cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất để đón khách. "Nếu có yêu cầu lượng đặt phòng lớn từ thị trường khách quốc tế, các khách sạn ở Khánh Hòa sẽ đủ nguồn cung", ông Hoàng cho hay.
Khánh Hòa hiện có hơn 1.100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó các khách sạn 3-5 sao là 102, khoảng 20.000 phòng, chiếm 50% tổng số phòng trên địa bàn tỉnh. Hiện do lượng khách chưa đông nên một số khách sạn đang đóng cửa, một vài nơi chỉ đón khách ở một số tầng nhất định để giảm chi phí.
Đại diện Khách sạn Ariyana Nha Trang cho biết thời gian qua, vì đa phần đón khách nội địa nên chỉ mở cửa một phần. Đón đầu việc khách Trung Quốc trở lại trong năm mới, khách sạn đã rà soát lại toàn bộ hệ thống, tu sửa phòng ốc, kiểm tra dịch vụ, huy động và đào tạo thêm nhân sự.
"Hiện thông tin đón khách chỉ chung chung, nếu có lượng đặt phòng hay các chuyến bay cụ thể thì việc chuẩn bị sẽ triển khai rõ ràng và nhanh hơn", vị đại diện cho hay.
Về nhân sự, ông Hoàng cho rằng không quá lo vì thành phố hiện có khá đông sinh viên ngành du lịch mới ra trường, được đào tạo bài bản, đã qua thực hành. Ngoài ra, các nhân sự có tay nghề cao đã sẵn sàng quay trở lại để tìm sự ổn định vì Khánh Hòa chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng với Khánh Hoà, TP Móng Cái và TP Hạ Long (Quảng Ninh) trước dịch cũng là những nơi đón nhiều khách Trung Quốc. Năm 2019, khách Trung Quốc tới Quảng Ninh đạt gần 1,5 triệu lượt trong tổng số hơn 5,8 triệu lượt (chiếm 32,7% tổng khách quốc tế) của cả nước.
Theo bà Phạm Thị Oanh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Móng Cái, đến nay chưa có văn bản chính thức mở lại các hoạt động xuất nhập cảnh ở cửa khẩu quốc tế Móng Cái nhưng các phương án đón khách đã sẵn sàng. Hai tuần trước, Phòng Văn hóa và Thông tin đã đề nghị các đơn vị du lịch sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự cũng như tuyển dụng lao động làm việc tại các điểm du lịch và cơ sở lưu trú.
Bà Vũ Hương Giang, Chủ nhiệm CLB Lữu Hành 5328 Móng Cái (đơn vị tập hợp nhiều công ty lữ hành chuyên đón khách Trung Quốc) cho biết các thành viên trong nhóm có sẵn hàng trăm phòng lưu trú, vẫn thường xuyên kết nối với doanh nghiệp du lịch Trung Quốc nên "có thể đón khách bất kỳ lúc nào". Ngoài ra bà Giang cho hay hiện các tour đưa khách đi vào sâu nội địa cũng đã được lên phương án để phía bạn lựa chọn. Năm nay, Quảng Ninh có cao tốc Hạ Long - Móng Cái nên thuận lợi đưa du khách tham quan.
Với lượng khách có thể chưa quá nhiều và đột ngột từ Trung Quốc dự kiến sang Việt Nam, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống hay tàu thuyền du lịch ở Quảng Ninh tự tin có thể đáp ứng tốt ngay lập tức. "Chúng tôi đã đón nhiều khách quốc tế từ khi mở cửa. Các dịch vụ cũng được duy trì ổn định nên không lo quá tải", bà Nguyễn Huệ, điều hành một hãng tàu du lịch ở vịnh Hạ Long, cho hay.
Một mặt chuẩn bị nhưng nhiều đơn vị làm du lịch nhận định, khách Trung Quốc sẽ không qua ồ ạt ngay vì dư âm của Covid-19 và người dân cũng cần thời gian để hồi phục kinh tế cũng như ổn định cuộc sống. Mặc dù dự kiến dỡ bỏ hầu hết các quy định phòng dịch Covid-19 vào năm mới, nhưng chính phủ Trung Quốc cũng cho rằng du lịch quốc tế của người dân nước này chưa thể ồ ạt, mà cần "đi một cách có trật tự". Chính phủ cũng không nói rõ "đi một cách có trật tự" là thế nào.
"Có thể phải sau Tết Nguyên đán, thậm chí là vào mùa hè, khách Trung Quốc mới sang Việt Nam nhiều hơn", ông Đàm Huy Long, Giám đốc Công ty Lữ hành Today ở TP Hạ Long, nói.
"Tôi nghĩ không nên vội vàng thu hút ngay thị trường khách Trung Quốc mà phải vừa chống dịch, vừa đón được khách. Các cơ sở dịch vụ, cơ sở hạ tầng, nhân sự, các hướng dẫn viên, cơ sở ăn uống phục vụ cho khách Trung Quốc cũng phải có lộ trình để hồi phục", ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nói.
Ông Quỳnh cho biết có thể sau tháng 3 mới bắt đầu có lượng lớn du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng và Việt Nam. Từ những kinh nghiệm phục vụ khách Trung Quốc trước đây, ông cho rằng nên nghĩ cách làm để du khách tiêu tiền nhiều hơn. "Quan trọng nhất là chúng ta có những sản phẩm để du khách có thể mang về nước hoặc qua các cách vận chuyển để đưa được về nước họ. Phải để cho du khách trở về nhà 'rỗng túi', tức là mang bao nhiêu tiền đến Việt Nam thì họ phải tiêu hết", ông nói.
Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có số lượng đón khách nhiều thứ hai sau Thái Lan. Ông Quỳnh cho rằng việc du lịch Đà Nẵng cần làm ngay là nhà hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc có thể mở cửa trở lại. "Khi khách Trung Quốc trở lại đông đúc thì các cơ sở này sẽ tự phục hồi", ông Quỳnh nói.
Bùi Toàn - Nguyễn Đông - Lê Tân