Nhằm động viên người dân ở các vùng giãn cách không tự ý về quê bằng phương tiện cá nhân làm lây lan Covid-19, hàng loạt địa phương đã có chính sách hỗ trợ bằng tiền.
Từ ngày 6/8, tỉnh Nghệ An quyết định hỗ trợ 2.000 hộ dân quê Nghệ An đang sống ở TP HCM và các tỉnh phía Nam, mỗi hộ một triệu đồng. Tỉnh đang rà soát những trường hợp khó khăn khác để có phương án trợ giúp. "Việc ra soát mất thời gian bởi lượng người đăng ký nhiều, phải ưu tiên người khó khăn trước", đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, nói.
Với 191.000 người làm việc ngoại tỉnh, trong đó 70% là các tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội, ngày 17/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định trích ngân sách 2 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Tiền sẽ được chuyển tới Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP HCM. Đơn vị này sẽ huy động thêm nhiều nguồn xã hội hóa, sau đó lập danh sách, sàng lọc những người Hà Tĩnh khó khăn đang sống tại các tỉnh phía Nam để giải ngân.
Tỉnh Quảng Bình thiết lập đường dây nóng từ ngày 31/7 đến 10/8 để tiếp nhận và hỗ trợ người dân ở các tỉnh phía Nam gặp khó khăn. Kết quả, đường dây đã nhận hơn 20.000 cuộc gọi và quyết định chuyển 6,5 tỷ đồng cho 6.500 người. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng chuyển cho Hội đồng hương Quảng Bình tại TP HCM 3,8 tỷ đồng để hỗ trợ người dân.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục xác minh những trường hợp còn lại, dự kiến thêm 10.000 người nữa. Như vậy, tổng số tiền hỗ trợ là 23 tỷ đồng, cho 1/3 số người dân Quảng Bình tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Quảng Trị có hơn 23.000 người đang sinh sống tại các tỉnh phía Nam đăng ký nhận hỗ trợ, nhưng nguồn lực có hạn nên trước mắt tỉnh giúp 15.000 người và đang phát động chương trình "San sẻ yêu thương" nhằm huy động nguồn lực để trợ giúp người dân xa quê.
Ngoài chính sách của tỉnh, một số huyện có hỗ trợ riêng. Ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Triệu Phong, cho biết đã chuyển 200 triệu đồng qua Hội đồng hương huyện tại TP HCM để hỗ trợ người dân. Hội đồng hương đã quyên góp thêm 17 triệu để giúp 217 người.
Đến nay, huyện Triệu Phong còn hơn 600 triệu đồng để hỗ trợ người dân. Dự kiến trong tuần này, số tiền sẽ được gửi trực tiếp vào tài khoản của người dân, ưu tiên những người đặc biệt khó khăn. Số còn thiếu sẽ nhờ vào nguồn huy động và ngân sách tỉnh Quảng Trị.
Thông qua Ban liên lạc Hội đồng hương người Hải Phòng tại TP HCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM, UBND TP Hải Phòng đã xác định được hơn 1.150 hộ gia đình người Hải Phòng đang gặp khó khăn. Thành phố quyết định trích hơn 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí ủng hộ công tác phòng, chống dịch để hỗ trợ bà con với mức 2 triệu đồng/hộ.
Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng Lương Văn Công cho biết, toàn bộ số tiền đã được chuyển đi trong ngày 17/8. Những hộ có số tài khoản cá nhân được chuyển vào tài khoản; những hộ không có sẽ được Hội đồng hương Hải Phòng tại TP HCM chuyển tiền.
Tương tự, người Vĩnh Phúc gặp khó khăn, cần trợ giúp y tế và đời sống tại các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng sẽ được hỗ trợ một triệu đồng/người. Số tiền trên sẽ được chuyển trực tiếp cho người dân ở nơi giãn cách hoặc gián tiếp thông qua người thân.
Ngoài ra, tỉnh còn cấp 10-20 kg gạo cho mỗi người trong thời gian giãn cách xã hội. Người dân đến nhận gạo xuất trình căn cước công dân hoặc giấy tờ chứng minh quê quán, đơn đề nghị hỗ trợ có thể viết tay.
Tỉnh cũng công bố số điện thoại tiếp nhận kiến nghị, đăng ký hỗ trợ 0918545292.
Hoàng Táo - Nguyễn Hải - Đức Hùng - Giang Chinh - Viết Tuân