Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, các khu vực trong tỉnh từ đêm 2/8 và sáng 3/8 đã có mưa to kèm theo gió lốc.
Huyện Na Rì là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 275 ngôi nhà bị tốc mái; 7 nhà họp thôn bị hư hỏng; 6 phòng học, 1 nhà để xe, 1 phân trường bị tốc mái; 3 cột điện bị nghiêng đổ. Ước tính thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngay sau mưa lũ xảy ra, huyện Na Rì đã huy động lực lượng Công an, Quân đội; cấp 1.300 tấm lợp, 100 m2 bạt để giúp nhân dân xã Lam Sơn khắc phục nhà bị hư hỏng.
Trưa và chiều 3/8 tiếp tục có mưa to trên địa bàn Bắc Kạn, tỉnh yêu cầu Sở giao thông cử người canh gác 24/24 tại khu vực cầu tràn để cảnh báo người và phương tiện đi lại; đồng thời cắm biển cảnh báo hướng dẫn phương tiện, người qua lại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông an toàn…
Tại huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La), vào chiều tối và đêm 2/8 đã xảy ra trận gió lốc kèm theo mưa đá gây thiệt hại nặng tại các xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn, Chiềng Khoang, Mường Giôn, Nậm Ét. Ông Lầu A Do (sinh năm 1948, tại bản Huổi Ngà, xã Mường Giôn) đã bị sét đánh tử vong trong lúc đang trên đường về nhà. Ngoài ra, gió lốc mưa đá còn làm tốc mái 24 ngôi nhà, đánh chìm 13 tàu thuyền, 2 nhà nổi, 43 lồng cá, 34.400 m 2 trồng ngô; thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng.
Ngày 3/8, ông Lý Vinh Quang (Phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn) cho biết tỉnh chưa tổng hợp thiệt hại do cơn bão Nida vì các địa phương chưa báo cáo đầy đủ, "điều đáng mừng là đến thời điểm này không xảy ra hiện tượng lũ quét, lũ ống". Thống kê ban đầu cho thấy huyện Chi Lăng là một trong những địa bàn chịu nhiều thiệt hại nhất trên toàn tỉnh. Tính đến 16h ngày 3/8, tại huyện Chi Lăng đã có 144 nhà dân bị tốc mái, hư hại cùng hơn 10 ha cây keo, thông gãy đổ, 1 nhà văn hóa thôn và 1 phân trường cũng bị tốc mái.
Hồng Vân