Là một cô giáo đứng nhiều năm trên bục giảng, tôi đã chứng kiến không ít những trò “nhất quỷ nhì ma” của đám học sinh. Nói đến lứa tuổi học trò, nhiều người tặc lưỡi bảo rằng: “Ôi giời, đám trẻ con mà, lo học hành là được rồi, cần chi lo nghĩ”. Tuy nhiên, ngày nay, có lẽ lứa tuổi học phổ thông dường như “lớn quá sớm”, các em đã biết phân biệt ít nhiều sự thật đúng sai, phải trái. Chính những suy nghĩ đó các em đã áp dụng vào những câu văn đậm chất học trò khiến thầy cô chấm bài cũng phải ngỡ ngàng suy ngẫm.
Năm học trước, một trong những lớp tôi dạy, có lớp khá ngoan, học sinh chăm học. Trong lớp đó, có cô gái tên Lan, theo đánh giá của lớp là một học sinh giỏi. Cũng đúng thật, Lan học giỏi các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, cô học trò Lan học môn Văn tôi dạy cũng khá giỏi.Tuy nhiên trong năm vừa rồi, Lan đã làm cho tôi phải ngỡ ngàng vì một bài tập làm văn.
Tôi cho các em viết văn về đề tài ca ngợi “công lao cha mẹ”. Theo lẽ thường, ta có thể hiểu rằng mỗi khi cho đề văn như thế, các học sinh sẽ ca ngợi cha và mẹ với đủ thứ mỹ từ tích cực để bài văn đạt điểm cao, không ai lại buông lời bình luận theo xui hướng tiêu cực. Thế mà, Lan lại có một bài viết rất độc đáo khiến tôi phải giật mình. Đối với mẹ, em ca ngợi rất nhiều nhưng đến phần công lao của cha thì… Đoạn văn về cha mà em viết như sau, tôi xin được trình bày nguyên văn:
Có người hỏi con, trong nhà con thương ai nhất. Con trả lời, con thương mẹ nhất. Họ lại hỏi con, thế còn cha, con thương cha bao nhiêu. Con trả lời, đối với cha cần phải hạn hẹp và phân biệt như chính công lao của cha với con. Con luôn vằn vặt tự hỏi, công lao của cha lớn tới đâu? Giữa cha và mẹ, ai vất vả hơn? Người đời thường bảo, công lao của người cha luôn to lớn, vững như trời cao biển rộng. Khi con khôn lớn được đổi lại bằng mái tóc của cha. Nghe thế, con tự hỏi có thật sự công lao làm cha của đàn ông Việt Nam to lớn thế không, hay chỉ là hữu danh vô thực? Những lời lẽ ca ngợi trên được biểu hiện qua công việc nào cụ thể trong đời sống hay chỉ là lời hoa mỹ trên sách vở, thơ văn. Cha làm gì mà vất vả?
Đàn ông Việt Nam thường tự hào rằng mình là người cha vất vả, vất vả theo nghĩa đen? Cái gọi là vất vả trên, lời than vãn trên xuất hiện từ đâu? Xin thưa, từ bàn nhậu? Đàn ông Việt Nam ta đi làm về chỉ biết lết cái thân lười biếng từ cơ quan vào bàn nhậu mỗi khi tan sở. Họ giỏi ba hoa tám chuyện trên bàn nhậu mà không cần biết vợ con ở nhà đang làm gì. Vợ họ đi làm về là phải vất vả tay bồng tay bế chăm con, lại cơm nước, dọn dẹp. Còn chồng chỉ biết ăn no rồi nằm, lười biếng trên bàn nhậu mà ba hoa cho rằng mình vất vả nuôi con.
Đàn ông Việt chỉ giỏi nói suông mà không làm được gì. Nếu không lười biếng trên bàn nhậu thì sao? Họ còn khá khẩm tí xíu khi tan sở cơ quan là về đến nhà, không đến quán nhậu. Về đến nhà rồi làm gì? Họ chỉ toàn lười biếng, đi làm về nằm ưỡn ra xem tivi, bỏ mặc vợ mình phải bận rộn trong bếp nấu nướng. Sau bữa cơm thì sao? Ăn xong cũng tiếp tục nằm, lười biếng mà bỏ mặc vợ mình phải rửa một đống chén đĩa. Hóa ra, họ chỉ là đứa trẻ to xác, lười biếng, không làm gì trong nhà mà cũng tự hào cho rằng mình vất vả nuôi con. Đàn ông Việt vất vả nỗi gì, hay vất vả ở cái miệng ảo tưởng công lao? Mọi việc trong gia đình liên quan đến con cái đều do vợ quán xuyến.
Tệ hại hơn nữa khi thấy vợ vất vả thế, cha chẳng những không phụ giúp gì mà còn tăng nhiệt thêm sự vất vả của mẹ. Cha chỉ giỏi ăn nằm mà trỏ năm ngón tay sai vặt vợ, cha không không hề nhận thức rằng mẹ mệt mỏi và quay cuồng thế nào. Có lẽ đàn ông Việt là ông chủ chỉ giỏi sai bảo nô lệ là vợ mình, chỉ lo ăn no rồi nằm, sai vặt không vừa ý thì quát nạt, chửi mắng vợ cho vừa sở thích.
Nói đến công lao, chẳng hiểu người cha Việt Nam dành công lao cho ai? Khi con còn chưa ra đời, cha luôn mong muốn con sinh ra phải là con trai chứ đừng con gái. Vậy hóa ra, “công lao của cha là công lao dành cho con trai à”. Nếu trong nhà mà sinh toàn con gái, không có trai sẽ lục đục, đàn ông Việt sẵn sàng đánh vợ mà không biết đến chữ “hèn”. Vì sao nhỉ?
Đàn ông Việt Nam cho rằng, sinh con trai để nối dõi, chăm sóc cha mẹ về già. Thực tế họ chẳng làm gì gọi là “chăm sóc cha mẹ”, vẫn là vợ một tay làm hết, họ chỉ biết ăn no rồi nằm. Đàn ông Việt chẳng hề nhận thức rằng người vợ cũng có cha mẹ sinh ra, nuôi lớn mà lại còn cấm đoán vợ giao tiếp với bố mẹ vợ. Vì suy nghĩ trên, đàn ông Việt đòi hỏi vợ mình sinh con trai cho bằng được, nếu sinh con gái sẽ lập lại hình tượng lấy chồng của mẹ nó. Nhiều người đàn ông Việt hạn hẹp công lao nhưng thích được ca ngợi.
Đọc xong đoạn văn trên của em Lan đã khiến cho cô giáo dạy Văn như tôi giật mình. Từ trước đến giờ các học trò chỉ ca ngợi cha mình chứ ai lại chê bai như thế. Không biết chấm bài thế nào, cho bao nhiêu điểm, tôi mới gặp riêng em Lan để hỏi. Hóa ra những gì em trình bày chính là sự thật về người cha của mình. Cha của em lười biếng là thế, trong nhà chẳng phụ giúp mẹ chuyện gì mà thích sai vặt, chửi mắng vợ.
Em lập luận với tôi rằng: “Bởi vì cha lười, có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, cha được ăn no rồi nằm mà chỉ tay sai vặt vợ. Còn mẹ quá vất vả nên công lao của cha chắc chắn hạn hẹp. Về chuyện sinh con trai nối dõi, bởi vì cha em cũng có tư tưởng “cấm đoán vợ mình giao tiếp với bố mẹ vợ” nên đòi hỏi mẹ em sinh con trai để tránh lập lại hình ảnh của mẹ. Nếu sinh toàn con gái thì cha em sẽ ngoại tình. Đó là công lao mang tính “phân biệt” của cha, phân biệt giữa con trai và con gái.
Mặc dù tôi đã cố gắng cắt nghĩa cho em hiểu vấn đề sinh con trai nối dõi do bị ảnh hưởng bởi truyền thống, nhưng em lại lập luận với tôi rằng: “Là truyền thống nên đó chính là đại diện cho “văn hóa làm cha” của đàn ông Việt”. Nghe em lập luận như thế đã làm tôi phải đuối lý. Tôi chỉ chấm cho bài văn của một số điểm tương đối. Phải chăng học trò ngày nay nên làm văn theo đúng sự thật xã hội. Đó có thật sự là “văn hóa làm cha” của đàn ông Việt hay không?
Mây