Kết luận dựa trên báo cáo tổng hợp dữ liệu pháp y của giáo sư Na Joo Young thuộc Đại học Quốc gia Busan.
"Cái chết cô đơn" hoặc "cái chết không được biết" là thuật ngữ mô tả trường hợp những người mất một mình không được phát hiện thi thể trong ít nhất ba ngày. Khi còn sống, họ gần như mất liên lạc hoàn toàn với gia đình và bạn bè.
Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc đã tiến hành những nghiên cứu chính thức về hiện tượng này trong giai đoạn 2017-2021. Kết quả cho thấy, người chết ở độ tuổi 50 chiếm tỷ lệ lớn nhất (40%), tiếp theo là độ tuổi 60 và độ tuổi 40. Cũng theo nghiên cứu, đàn ông trung niên chiếm hơn 85% số ca chết trong cô đơn. Những trường hợp này thường được phát hiện sau hơn ba tuần.
Sự thay đổi cấu trúc gia đình truyền thống được đề cập như một nguyên nhân. Họ đối mặt với tỷ lệ ly hôn và lạnh nhạt cao hơn.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh cô đơn làm tăng tỷ lệ tử vong. Có 50% số ca chết trong cô đơn là người đã ly dị. Họ được phát hiện sau 26,6 ngày kể từ khi tim ngừng đập. Thông thường, người tìm thấy họ là chủ trọ, quản lý tòa nhà hoặc hàng xóm. Những người này trả chậm trả tiền thuê nhà hoặc không còn trả lời mối liên hệ xung quanh.
Nghiên cứu cho thấy 63% thi thể có nồng độ cồn trong máu trung bình là 0,074%. Mức này gấp hai lần mức cho phép để lái xe theo quy định của Hàn Quốc là 0,03%.
Hàn Quốc chứng kiến sự gia tăng rõ rệt về số người chết một mình trong 5 năm qua, từ 2.400 người vào năm 2017 lên 3.400 người vào năm 2022.
Tháng 5/2023, chính phủ nước này đã triển khai kế hoạch khảo sát nhóm người dễ bị tổn thương bởi cô đơn theo nhân khẩu học. Họ được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, việc làm phù hợp và giải quyết các vấn đề liên quan đến rối loạn rượu bia.
Ngọc Ngân (Theo Korea Herald)