Bộ Giáo dục Trung Quốc đã điều thanh tra đến nhiều trường đại học để làm rõ tình trạng các trường yêu cầu sinh viên khai man tình trạng có việc làm hoặc làm giả chứng nhận đang có việc, truyền thông nước này cho biết ngày 4/8.
Thị trường thậm chí xuất hiện dịch vụ đóng dấu có trả phí do doanh nghiệp cung cấp để làm giả giấy tờ việc làm, theo Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh.
Bộ Giáo dục nhấn mạnh các trường không được "bắt ép sinh viên phải có hợp đồng lao động bằng bất cứ giá nào" hoặc ra yêu cầu phải có việc mới cấp bằng tốt nghiệp. Giới chức yêu cầu các trường nghiêm túc trong thống kê và xem xét minh chứng việc làm của từng sinh viên, xác minh dữ liệu liên quan đến việc làm thời vụ.
Đối với mỗi trường đại học, tỷ lệ việc làm của sinh viên có vai trò quan trọng với nguồn ngân sách, học bổng mà trường sẽ được cấp, số lượng sinh viên được tuyển, thậm chí cả số phận của ngành đào tạo. Nếu tỷ lệ có việc của sinh viên một ngành nào đó trong trường hai năm liên tiếp dưới 60%, ngành đó có thể bị đình chỉ đào tạo.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc độ tuổi 16-24 đang ở mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6, tăng so với tháng trước đó. Dự báo con số này còn tiếp tục tăng trong tháng 7 và 8, giữa lúc nền kinh tế đang yếu ớt sau Covid.
Ước tính 11,6 triệu sinh viên Trung Quốc sắp tốt nghiệp và gia nhập thị trường lao động, đông nhất từ trước đến nay.
Các nhà phân tích cho rằng tình trạng việc làm của thanh niên Trung Quốc đang ở thời điểm khó khăn nhất kể từ những năm 1970. Tình trạng này sẽ không nhanh chóng biến mất khi nền kinh tế chưa thật sự phục hồi và khu vực tư nhân, nơi chiếm hơn 80% việc làm ở thành thị, vẫn đang chật vật để phát triển trở lại.
Nhiều đại học kêu gọi những người trẻ không nên quá kén chọn khi tìm việc, cũng nên ngừng suy nghĩ rằng công việc chân tay hoặc chuyển đến vùng nông thôn là thấp kém.
Khánh Linh (Theo SCMP, The New York Times)