Ngày 6/4, Đại học Bách khoa Hà Nội (Hà Nội) quyết định dành gói 20 tỷ đồng miễn giảm học phí học kỳ II năm học 2019-2020 cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Kinh phí được trích từ khoản tiết kiệm chi vận hành trong thời gian học trực tuyến, tiết giảm đầu tư xây dựng cơ bản và các khoản chi khác.
Tùy mức độ ảnh hưởng, sinh viên sẽ nhận các mức hỗ trợ tới 50% học phí. Những em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế được xem xét cấp bổ sung học bổng hỗ trợ học tập trong kỳ này.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang vận động cán bộ viên chức, cựu sinh viên, tổ chức và doanh nghiệp hỗ trợ triển khai chính sách trợ giá máy tính và các gói cước dữ liệu, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học trực tuyến.
Trường giảm 25% phí thuê phòng cho tất cả sinh viên ở ký túc xá trong giai đoạn Covid-19; miễn phí thuê phòng đối với thời gian các em đã đăng ký phòng nhưng không ở lại ký túc xá.
"Nhà trường mong rằng sự hỗ trợ trách nhiệm này sẽ giúp sinh viên khó khăn sẽ sớm vượt qua, thêm động lực để tiếp tục học tập", đại diện lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội nói.
Đại học Ngoại thương hỗ trợ 5% học phí học kỳ II cho sinh viên hệ đại học chính quy ở cả ba cơ sở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh. Trường xét cấp bổ sung học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian Covid-19 và đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên với mức học bổng 50-100% học phí học kỳ II.
Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch có thể tham gia chương trình cho vay học bổng FTU-Mabuchi với lãi suất 0% trong thời gian học tại trường. Đại học Ngoại thương cũng sẽ lùi thời hạn nộp học phí một tháng cho toàn bộ học viên, sinh viên.
Trước đó, Đại học FPT thông báo trích 80 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển để hỗ trợ học phí cho sinh viên. Theo đó, sinh viên hệ cao đẳng và đại học được hỗ trợ 20% học phí các tháng kỳ Summer (tháng 5 đến hết 8). Tỷ lệ hỗ trợ học phí cho các chương trình liên kết là 10%, phần hỗ trợ bổ sung nếu có sẽ được thông báo sau khi thống nhất được với các đối tác liên kết nước ngoài.
Với những gia đình sinh viên có điều kiện không cần phần hỗ trợ này, kinh phí hỗ trợ của nhà trường sẽ được chuyển cho Quỹ quốc gia phòng chống Covid-19.
Hiệu trưởng Đại học Mỏ - Địa chất Trần Thanh Hải viết trong thư ngỏ gửi sinh viên hôm 1/4: "Để học trực tuyến, nhà trường sẽ gửi tặng các em gói hỗ trợ chi phí mạng 3G với tổng trị giá một tỷ đồng. Rất mong các em tiếp tục giữ vững tinh thần chủ động sáng tạo, phát huy sức mạnh của tuổi trẻ để vượt khó và thích ứng với môi trường học tập mới".
Tại TP HCM, nhiều đại học cũng hỗ trợ học phí cho sinh viên do ảnh hưởng của Covid-19. Ngày 5/4, Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM công bố giảm 25% học phí học trực tuyến. Chương trình học kỳ II năm học 2019-2020 sẽ được dạy theo hình thức trực tuyến, dự kiến bắt đầu từ giữa tháng 4.
Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hoàn cho biết mỗi khoa sẽ áp dụng tối thiểu 2 học phần trong học kỳ này. Tổng số học phần dự kiến triển khai được giảng viên đăng ký lên tới 70 môn với số lớp dự kiến khoảng 120.
Đại học Quốc gia TP HCM với quy mô gần 70.000 sinh viên đề nghị các trường thành viên và đơn vị trực thuộc tính toán chi phí đào tạo với các học phần được giảng dạy trực tuyến trong học kỳ II để đưa ra mức giảm học phí phù hợp, không quá 10%. Một số trường thành viên đã thông báo giảm học phí cho sinh viên 7-10% như Đại học Quốc tế, Công nghệ thông tin, Kinh tế - Luật.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM giảm 8% học phí môn học lý thuyết online cho sinh viên đăng ký môn học trong học kỳ II. Các trường như Đại học Hoa Sen, Văn Lang, Gia Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quốc tế Hồng Bàng giảm tối đa 20% học phí học kỳ II cho tất cả sinh viên. Đại học Nguyễn Tất Thành hỗ trợ 15% học phí trên các học phần đào tạo online. Mức giảm sẽ được khấu trừ vào học phí học kỳ III năm học 2019-2020 của sinh viên.
Đại học Văn Hiến hỗ trợ 20% học phí các môn học online và 10% đối với các môn học offline áp dụng từ ngày 16/3. Ngoài ra, 100% sinh viên được hỗ trợ gói cước phí tốc độ cao để thuận lợi hơn cho việc học trực tuyến. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp khó khăn về phương tiện học tập sẽ được nhà trường hỗ trợ mua trả góp hoặc cho mượn. Trường cung cấp khoảng 100 máy tính bảng, điện thoại thông minh và laptop cho sinh viên khi có nhu cầu.
Do ảnh hưởng của Covid-19, sinh viên hầu hết đại học không đến trường từ sau Tết Canh Tý. Hiện các đại học đã triển khai học online. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép lãnh đạo nhà trường quyết định công nhận kết quả học tập online.
Đến ngày 7/4, Covid-19 xuất hiện ở 211 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,3 triệu người mắc, gần 76.000 người chết (chiếm 5,59% theo ước tính của WHO). Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 367.000 ca. Việt Nam có 245 ca nhiễm, chưa ai tử vong.