Vài năm gần đây, cơn sốt dầu đá phiến tại Mỹ đã biến nó trở thành mục tiêu béo bở của giới đầu tư. Người người đổ tiền vào các hãng dầu mỏ với hy vọng hốt bạc từ cơn lốc tăng trưởng này.
Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh đang khiến nhiều dự án khai thác không thể sinh lời. Lúc này, giới đầu tư mới nhận ra rằng không phải dự án dầu đá phiến nào cũng như nhau.
Khoan dầu là hoạt động vô cùng tốn kém. Các công ty thường phải vay mượn để chi trả cho việc thăm dò và khai thác. Giá dầu hiện chỉ còn quanh 55 USD một thùng. Vì thế, các công ty sẽ ngày càng khó khăn trong việc huy động đủ số vốn cần thiết, đặc biệt sau nhiều năm lãi suất ngân hàng và trái phiếu ở mức thấp.
Giới đầu tư nhận định ít sẽ có một số công ty khai thác dầu đá phiến không thể trụ được nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp trong thời gian dài. Thị trường trái phiếu đang bị chấn động mạnh do khủng hoảng năng lượng. Chỉ riêng trong tháng 12, trái phiếu năng lượng lãi suất cao đã mất giá 10%, theo S&P Dow Jones Indices.
"Tất cả đều đang trong vòng xoáy đi xuống. Nếu giá trái phiếu tiếp tục ở mức thấp, những công ty này sẽ rất khó huy động vốn mới để tồn tại", Spencer Cutter - nhà phân tích tín dụng tại Bloomberg Intelligence nhận định.
Các hãng năng lượng lớn như ExxonMobil và Chevron có nguồn tài chính dồi dào để vượt qua cú sốc giá dầu. Nhưng những công ty nhỏ với đòn bẩy tài chính lớn lại không được như vậy.
Một số thậm chí đang ghi nhận dòng tiền âm, tức là doanh thu không đủ bù đắp cho những khoản đầu tư lớn của công ty. Đến nay, họ đang phải chống đỡ bằng cách bán thêm cổ phiếu hoặc tăng vốn chủ sở hữu. Nhưng với giá dầu ở mức 55 USD, không mấy nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn. "Biến dòng tiền từ âm lên dương rất khó nếu giá mặt hàng bạn đang bán mất đang giảm tới 45%", Cutter nhận xét trên CNN.
Cơn khủng hoảng tiền mặt có khả năng sẽ trở nên trầm trọng hơn trước áp lực từ các ngân hàng, vốn cũng đang lao đao vì cấp vốn cho các công ty dầu đá phiến. "Các ngân hàng vốn không mấy thân thiện trong tình cảnh thế này đâu. Việc thiếu nguồn vốn thay thế có thể sẽ khiến một số công ty sụp đổ nhanh hơn", Tim Gramatovich - đồng sáng lập hãng quản lý tài sản Peritus cho biết. Gramatovich dự đoán một số lượng công ty "đáng kể" sẽ vỡ nợ trái phiếu năng lượng lãi suất cao do thiếu hụt tiền mặt.
Dù đa số người Mỹ không đầu tư vào ngành năng lượng, nhưng nhiều người sẽ bị thiệt hại do đầu tư vào các quỹ. Vài năm gần đây, dòng vốn liên tục đổ vào trái phiếu năng lượng, khi nhà đầu tư càn tìm công cụ trả lãi cao. Hiện trái phiếu năng lượng chiếm tới 15% thị trường lãi suất cao của Mỹ, theo S&P. Dầu mất giá có thể gây ra hiệu ứng domino, khi các quỹ đầu tư phải bán tháo các tài sản không liên quan để trả tiền cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại về vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu, Cutter tin rằng những rủi ro hệ thống liên quan trực tiếp tới những trái phiếu năng lượng Mỹ sẽ "rất nhỏ và không kéo dài". Theo ông, nguy cơ thực sự sẽ phải đến từ sự sụp đổ của một nước xuất khẩu dầu lớn, như Nga.
Thanh Tuyền