Ngày 16/10, Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia về "Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử" tổng kết sau 5 năm triển khai.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chủ nhiệm Chương trình cho biết, mục tiêu của Chương trình là phát triển các giải pháp công nghệ về phần cứng, phần mềm, tạo nền tảng cho phát triển các ứng dụng phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử.
Chương trình có 26 nhiệm vụ được thực hiện, đáp ứng 80% mục tiêu, nội dung nghiên cứu và sản phẩm dự kiến. Trong số này, các nhiệm vụ đã hoàn thiện 18 loại sản phẩm thiết bị máy móc (281 thiết bị), 44 sản phẩm phần mềm, cơ sở dữ liệu,19 sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Báo cáo của Chương trình cho thấy, các sản phẩm thiết bị phần cứng tích hợp những giải pháp, phần mềm có trình độ tương đương với thiết bị hiện có trên thị trường. Các sản phẩm này đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và có khả năng đưa vào sản xuất thử nghiệm hoặc sản xuất thương mại. Tiêu biểu như thiết bị chuyên dụng giám sát hạ tầng công nghệ thông tin, máy tính an toàn, camera bảo mật, thiết bị chuyển mạch, hệ thống Kios, vi mạch bảo mật cho thiết bị IoT.
Có nhiều giải pháp phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ điện toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn, mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử. Nhiều đề tài của chương trình đã xây dựng và phát triển phần mềm cung cấp dịch vụ hành chính công; xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu và phân tích một số chỉ số hiệu năng thực hiện (KPI) của đô thị thông minh; hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý đất đai ứng dụng công nghệ chuỗi khối...
Hiện bộ chỉ số KPI đô thị thông minh Việt Nam (phiên bản 1.0) được Bộ Thông tin truyền thông công bố chính thức áp dụng trên toàn quốc. Kiến trúc bộ chỉ số KPI đô thị thông minh phản ánh các mục tiêu xuyên suốt của đô thị thông minh bền vững định hướng đến năm 2030. Bộ chỉ số này gồm 50 chỉ số và được phân bổ vào các lớp và các nhóm chỉ số.
Kết quả nghiên cứu của Chương trình cũng được ứng dụng vào du lịch thông minh tại Đà Nẵng trong việc tự động thu phí bằng thẻ NFC. Với công nghệ này, du khách khi vào tham quan các điểm du lịch có thể sử dụng giải pháp ví điện tử dùng thẻ NFC nạp tiền và quẹt thẻ vào đầu đọc được gắn trên cửa tự động thanh toán vé vào cửa, cùng hệ thống Kios thông tin quảng bá du lịch.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá cao các kết quả đạt được của Chương trình. Ông cho biết, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các giải pháp tích hợp, ứng dụng, sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số dựa trên dữ liệu mở, định hướng đến 2025.
Để đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, Thứ trưởng Tùng mong muốn Chương trình bổ sung thêm các nhiệm vụ dự án sản xuất thử nghiệm, có sự tham gia của doanh nghiệp. Các nhiệm vụ cũng cần huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, vì vậy rất cần sự tham gia của bộ, ngành địa phương, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực có liên quan.
"Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ luôn đồng hành cùng các nhà khoa học, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ của Chương trình đạt hiệu quả cao nhất trong giai đoạn tới", ông Tùng nói và nhấn mạnh, cơ chế quản lý được sửa đổi để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.
Trong giai đoạn 2021-2025, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết, Chương trình sẽ dựa trên 3 trụ cột: Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Chương trình thực hiện các nhiệm vụ để phục vụ cho việc xây dựng đô thị thông minh gắn kết với phát triển chính quyền điện tử; đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Các giải pháp tập trung nghiên cứu để đảm bảo kết nối, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin và dịch vụ, giải pháp lưu trữ thông tin và cơ sở dữ liệu lớn. "Chương trình hướng tới làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo các thiết bị phần cứng chuyên dụng; phát triển sản phẩm, phần mềm, dịch vụ phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử hiệu quả", PGS Thắng nhấn mạnh.
* Chương trình KC.01 được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2021. Nội dung chương trình tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình, nền tảng và các giải pháp kỹ thuật cho phát triển Chính phủ điện tử; giải pháp kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia; giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho các hệ thống 2 cung cấp dịch vụ và cung cấp thông tin; giải pháp lưu trữ thông tin và cơ sở dữ liệu lớn.
* Nghiên cứu làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo các thiết bị phần cứng
chuyên dụng phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử: thiết bị mạng viễn thông; thiết bị giám sát và cảnh báo an ninh mạng; thiết bị bảo mật hệ thống, bảo mật phần mềm; thiết bị xác thực điện tử trong các giao dịch điện tử; thiết bị đầu cuối phục vụ truy cập thông tin.
* Nghiên cứu làm chủ công nghệ, phát triển sản phẩm phần mềm, dịch vụ
công nghệ thông tin phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử có trình độ tiên tiến trong khu vực về: công nghệ xử lý dữ liệu lớn; công nghệ điện toán đám mây; công nghệ bảo mật, an toàn và an ninh thông tin; phần mềm hệ điều hành, quản trị, ứng dụng (ưu tiên phát triển trên nền tảng mã nguồn mở); mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT);
* Nghiên cứu, xây dựng một số tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật
làm nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử; đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nhà nước.