Một tuần trước, cơ sở điều trị Covid-19 nhẹ, không triệu chứng tại Phòng khám đa khoa Minh Phú, huyện Sóc Sơn hoạt động với quy mô 200 giường. Cơ sở đang điều trị cho 6 F0 thể nhẹ.
Minh Phú nằm ngay cạnh đường lớn và bảo đảm được khoảng cách với khu dân cư. Phía bên ngoài cổng, một trạm dã chiến được dựng và luôn có ít nhất hai người trực. Người nhà bệnh nhân, khi muốn chuyển đồ vào bên trong đều phải nhận được sự đồng ý.
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn, cho rằng thời gian tới số lượng F0 trên địa bàn huyện nhiều khả năng sẽ tăng mạnh. "Khi đó số giường bệnh sẽ nhanh chóng được lấp đầy".
Theo ông, lập các trạm điều trị cho F0 nhẹ ngay tại cơ sở là bước đi đúng đắn của thành phố, đặc biệt với huyện ngoại thành như Sóc Sơn. "Việc cho các F0 vào một khu sẽ giúp dễ quản lý hơn, nhất là khi ở Sóc Sơn nhiều nhà mỗi người một quả đồi. Hơn nữa khi có biến chứng việc chuyển tầng điều trị cũng nhanh chóng", ông Hải chia sẻ.
Ngoài ra, nhân lực cho việc quản lý các F0 cũng giảm đi đáng kể. Thực tế, để vận hành trạm y tế lưu động, mỗi ngày Sóc Sơn huy động chỉ hơn 10 người, kể cả bảo vệ hay nhân viên y tế. Trong trường hợp cơ sở thu dung được lấp đầy, huyện mới tính tới phương án cho điều trị F0 thể nhẹ tại nhà.
Huyện Thanh Trì đã thiết lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện (đường Phan Trọng Tuệ, xã Thanh Liệt) làm cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ trên địa bàn, với quy mô 300 giường.
Ông Nguyễn Tiến Trung, Trưởng Phòng Y tế huyện Thanh Trì, cho biết đến sáng 4/12, cơ sở đã tiếp nhận, thu dung 13 bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Các bệnh nhân có tâm lý ổn định.
Để tránh phát tán nguồn bệnh ra bên ngoài, khu vực ở của bệnh nhân được quây kín bằng tôn cao 2 m. Bệnh nhân có triệu chứng và không có triệu chứng được bố trí ở 2 dãy nhà tách biệt, bên trong mỗi phòng đều có nhà vệ sinh riêng. Các phòng chức năng như cấp cứu, khám bệnh cùng những thiết bị y tế cơ bản như bình oxy, xe tiêm, giá truyền... được bố trí đủ. Ở cổng ra vào, ngoài lực lượng an ninh túc trực, còn là hệ thống giám sát qua camera.
Trước đó, chiều 1/12, khi kiểm tra trạm y tế lưu động của huyện Thanh Trì, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng phải thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe của các F0, hàng ngày phải chủ động gọi điện kiểm tra. "Trong trạng thái trở nặng phải chuyển tầng điều trị, tránh chủ quan", bà Tuyến nói.
Cách đó hơn 20 km, huyện Hoài Đức cũng đã kích hoạt trạm y tế lưu động đặt tại Trường THCS Tiền Yên, với quy mô 300 giường. Cơ sở này tận dụng tối đa các cơ sở vật chất sẵn có của trường học mới xây. Bên trong, mỗi phòng được bố trí 8 giường bệnh. Khu nhà vệ sinh được bố trí bên ngoài. Ít nhất hai lớp rào cứng được dựng lên, khu vực chứa rác thải y tế được đặt biển cảnh báo nguy hại. Ngoài cổng, cảnh sát trực 24/24h.
Theo Sở chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 huyện Hoài Đức, từ ngày 23/11 đến nay, trạm y tế lưu động này đã tiếp nhận 61 bệnh nhân. Hiện 3 bệnh nhân ra viện và một người phải chuyển tuyến. Để chăm sóc các bệnh nhân mỗi ca sẽ có ít nhất 5 người, trong đó có một bác sĩ phụ trách, hai điều dưỡng, một kỹ thuật viên - điều dưỡng xét nghiệm và một dược sĩ.
Huyện Hoài Đức cũng đang rà soát thành lập thêm các cơ sở thu dung điều trị. Trong đó, phương án một là tận dụng 79 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng với 3.260 giường và phương án 2 tại 20 cơ sở giáo dục với 3.336 giường đủ điều kiện.
Huyện Mỹ Đức lập và đưa vào sử dụng cơ sở thu dung, điều trị người không triệu chứng và triệu chứng nhẹ hoạt động theo mô hình trạm y tế lưu động tại Trường Mầm non Lê Thanh A với quy mô 250 giường bệnh.
Ông Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mỹ Đức, cho hay từ ngày 27/11 tới nay cơ sở đã tiếp nhận 20 người, trong đó có một bệnh nhân phải nâng tầng điều trị xuống Bệnh viện huyện Mỹ Đức do có biểu hiện sốt 40 độ.
Từ ngày 17/11, Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình thu dung, điều trị F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, tại quận quận Long Biên và 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Sóc Sơn, Mỹ Đức. Từ đầu tháng 12, tất cả huyện thị còn lại ở Hà Nội sẽ thu dung, điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở.
Công tác thu dung, điều trị F0 tại đây theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), điều hành theo hướng dẫn của Sở Y tế.
30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án triển khai Trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn. Dự kiến, mỗi thôn, xóm, cụm dân cư phải có một địa điểm, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Phạm Chiểu