Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 101/2017/TT-BTC hướng dẫn hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, có hiệu lực từ ngày 1/12.
Theo quy định, UBND cấp tỉnh nơi mở trường đua ngựa, chó có trách nhiệm thành lập Hội đồng giám sát cuộc đua với sự góp mặt của đại diện Sở Tài chính; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tư pháp; Công an tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Thông tư 101/2017/TT-BTC quy định, Hội đồng giám sát cuộc đua được quyền yêu cầu, chỉ định kiểm tra với bất kỳ con ngựa đua, chó đua tham gia nếu thấy cần thiết hoặc phát hiện có dấu hiệu gian lận.
Hội đồng giám sát cũng được quyền yêu cầu tạm dừng cuộc đua trong các trường hợp sau:
- Các thiết bị xuất phát và camera xác định ngựa đua, chó đua về đích chưa đầy đủ và không đảm bảo tính chính xác, trung thực trong việc tổ chức cuộc đua;
- Tổ chức đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó không đúng lịch và địa điểm như đã thông báo;
- Gian lận trong việc tổ chức cuộc đua;
- Hệ thống máy chủ, thiết bị đầu cuối bị ngừng hoạt động liên tục trong 30 phút trong thời gian bán vé đặt cược;
- Thời tiết hoặc bề mặt đường đua ngựa, đua chó trong tình trạng không thích hợp;
- Hệ thống không ngừng phát hành vé đặt cược trước thời điểm kết thúc nhận đặt cược.
Theo Nghị định 06/2017/NĐ-CP, từ ngày 31/3, việc đặt cược đua chó, đua ngựa, bóng đá quốc tế được phép thực hiện. Tuy nhiên, người tham gia phải từ 21 tuổi, không bị hạn chế các hành vi dân sự. Tiền được sử dụng để mua vé đặt cược, trả thưởng là tiền đồng của Việt Nam. Mức cược tối đa là một triệu đồng và tối thiểu 10.000 đồng.