Thảo luận tại Quốc hội ngày 23/10, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và đề xuất chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Việt Nam cho rằng phương án nghỉ vào ngày 28/6 là hợp lý vì ngày này tôn vinh tình cảm gia đình theo truyền thống văn hóa Việt Nam, là dịp để các thành viên sum họp, gắn kết với nhau. Cũng theo ông, nếu Quốc hội cho phép nghỉ thêm 2 ngày lễ thì có thể bổ sung ngày 5/9 để các phụ huynh đưa con đến trường. "Thực tế có nhiều công nhân lao động chưa khi nào được nghỉ để đưa con đến trường. Đó là sự thiệt thòi với họ", ông Thọ nói.
Theo chuyên gia lao động Hà Đình Bốn, phương án nghỉ thêm ngày 28/6 sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa hai kỳ nghỉ 1/5 và 2/9. Ngoài ra, nếu bổ sung thêm một ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh 2/9 hay Tết dương lịch nhiều khả năng kỳ nghỉ bị kéo dài (có thể liền với cuối tuần), gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Ông Bốn không đồng tình với đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm của Tổng Liên đoàn Lao động vì "nghỉ thế là quá nhiều" trong bối cảnh kinh tế nước ta vừa thoát nghèo. Khi đất nước giàu có như Nhật Bản, Hàn Quốc thì mới nên nghỉ nhiều hơn. "Khi điều chỉnh Bộ luật Lao động trước đây, Quốc hội thường chỉ tăng thêm một ngày để không gây xáo trộn, ảnh hưởng nền kinh tế, xã hội", ông Bốn nêu ý kiến.
Trái với quan điểm của ông Hà Đình Bốn, bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, nghiêng về phương án nghỉ thêm một ngày vào dịp 2/9 để người lao động có hai ngày lễ thực sự nghỉ ngơi, có thời gian về quê. Thời điểm đó cũng là lúc các gia đình cần chuẩn bị cho con đến trường. Với thời gian nghỉ 2 ngày thì người lao động được thực sự nghỉ ngơi, còn nếu chỉ nghỉ một ngày thì có thể nhiều người vẫn sẽ đi làm như mọi ngày.
Cũng theo bà Hằng, các doanh nghiệp đều có kế hoạch chủ động sản xuất dựa trên lịch nghỉ lễ theo quy định. Nếu đơn hàng cần sản xuất gấp thì họ mới huy động thêm lao động nên việc quy định hai ngày hay nhiều ngày nghỉ gần nhau không gây xáo trộn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, ngày nghỉ đầu tháng dịp 2/9 sẽ thuận lợi hơn cho nhiều doanh nghiệp vì các đơn vị thường phải thanh quyết toán, chấm công, làm tiền lương vào cuối tháng.
"Tôi tiếp xúc với nhiều công nhân, họ đều bày tỏ muốn nghỉ thêm một ngày 1/9 hoặc 31/12 để các ngày lễ được kéo dài hơn, họ có thời gian đi chơi, về quê, nghỉ ngơi thực sự", bà Phạm Thị Hằng chia sẻ.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động, đề xuất nên có thêm ít nhất hai ngày nghỉ một ngày là Gia đình Việt Nam và một ngày vào dịp Tết Dương lịch là phù hợp nhất. Ông Quảng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, nhiều nước trên thế giới có xu hướng nghỉ Tết dương lịch dài hơn nên nước ta cũng cần hội nhập và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.
Hiện nay, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam là 10 ngày, mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực, như Camphuchia nghỉ 28 ngày, Brunei là 15 ngày, Indonexia là 16 ngày, Trung Quốc 21 ngày, Nhật Bản 16 ngày...
Đầu tháng 9, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất phương án một là nghỉ Quốc khánh 4 ngày, từ 2 đến 5/9 hàng năm. Phương án hai là nghỉ thêm 2 ngày vào dịp Tết Dương lịch (từ ngày 1 đến 3/1) và nghỉ một ngày vào ngày gia đình VN (28/6).