Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng phản ánh việc giá đất thành phố cho thuê quá cao khiến một số đơn vị phải nợ tiền thuê đất. Kết quả là họ bị cơ quan thuế phong tỏa tài khoản khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước.
Sáng 11/10, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh dẫn đầu đoàn kiểm tra một số dự án nghỉ dưỡng ven biển quận Ngũ Hành Sơn để làm rõ những phản ánh này.
Ông Lê Minh Kha, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần khách sạn và du lịch Thiên Thai, chủ đầu tư dự án Cung hội nghị quốc tế Ariyana, phản ánh giá thuê đất đầu tiên của dự án năm 2007 chỉ 2,4 tỷ đồng một năm cho hơn 22 ha. Đến nay, sau ba lần tăng giá, số tiền phải trả đã gấp 50 lần. Cụ thể, năm 2008 số tiền phải trả là 4,7 tỷ đồng nhưng đến năm 2018 là 35 tỷ đồng và năm 2022 lên 121 tỷ đồng.
Riêng cụm công trình Cung hội nghị quốc tế Ariyana theo giá thuê 2 ha đất hiện hành là 10 tỷ đồng một năm (trong đó công trình chỉ 4.500 m2 sàn, còn lại là diện tích cảnh quan). Năm ngoái, tổng doanh thu của công ty khi du lịch bắt đầu phục hồi sau dịch Covid-19 là 20 tỷ đồng. Trừ đi chi phí vận hành, doanh nghiệp cho biết đang chịu lỗ, dẫn đến nợ thuế hơn 50 tỷ đồng và bị phong tỏa tài khoản ngân hàng.
Cung hội nghị này được hoàn thành năm 2017 và là nơi diễn ra toàn bộ sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Theo ông Kha, hơn hai năm đóng cửa vì dịch bệnh, doanh nghiệp đã không có nguồn thu. Du lịch mới mở cửa, chưa phục hồi hoàn toàn, dự án chưa khai thác hết công suất hiện có, nhưng doanh nghiệp vẫn phải còng lưng bù lỗ bằng việc các cổ đông phải xoay xở nguồn tiền để nộp phí thuê đất thương mại dịch vụ.
"Giá thuê đất như thành phố ban hành năm 2022 là bất hợp lý và doanh nghiệp không thể nào tiếp tục kinh doanh. Chúng tôi còn thời hạn thuê đất 37 năm nữa, nếu với giá thuê 121 tỷ đồng mỗi năm như hiện nay thì phải trả gần 5.000 tỷ đồng", ông Kha nói.
Đại diện công ty này đề nghị thành phố tạo điều kiện với mức giá thuê hợp lý để có thể huy động vốn từ ngân hàng hay các đối tác, đảm bảo đưa dự án hoạt động 100%. "Khi đó, chắc chắn sẽ có đóng góp rất lớn cho thành phố", ông Kha nói.
Hiện tại giá thuê đất 1 m2 mặt đường Võ Nguyên Giáp là 85 triệu đồng. Mới đây, HĐND thành phố họp và có ý kiến đề xuất tiếp tục tăng hơn 10%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng vệt ven biển với đặc thù quy hoạch các khu du lịch nghỉ dưỡng, mật độ xây dựng chỉ 18-23%, thành phố phải có cơ chế riêng về giá đất cho thuê.
"Điều này nằm trong thẩm quyền quyết định của thành phố và nguyện vọng của doanh nghiệp không có gì quá đáng", ông Kha nói thêm.
"Giống như nuôi một con gà, nếu đẻ trứng đều đặn nguồn thu mới bền vững. Còn nếu để nó chết đói thì lấy đâu ra trứng nữa", ông Kha ví von, đồng thời cho rằng các dự án nghỉ dưỡng ven biển đang góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch cao cấp cho thành phố, trong tương lai sẽ thu hút được khách du lịch chất lượng cao.
Ông Nguyễn Mạnh Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước, chủ đầu tư dự án Melia Đà Nẵng Resort, cũng thắc mắc với lãnh đạo thành phố về việc bảng giá tiền thuê đất hiện hành được căn cứ vào bảng giá đất năm 2019 (đỉnh điểm sốt đất tại Đà Nẵng). Giá đất tăng nhưng hơn 2 năm qua ảnh hưởng dịch bệnh, kinh tế suy giảm, đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.
Melia Đà Nẵng Resort đang phải nộp thuế tiền thuê đất 28 tỷ đồng một năm theo bảng giá mới. Ông Trung nói, phần đất xây dựng công trình đã được doanh nghiệp đóng tiền một lần, các phần còn lại thuộc công năng cảnh quan, cây xanh... phải áp giá thuê bằng 70% giá đất thương mại dịch vụ là bất hợp lý.
Cùng ý kiến như ông Kha, ông Trung cho biết các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết. "Thành phố phải định lại giá đất phù hợp để cứu doanh nghiệp", ông Trung nói, đồng thời bày tỏ lo lắng khi các doanh nghiệp đã "kiệt sức" thì vệt nghỉ dưỡng ven biển này có nguy cơ bị bỏ hoang.
Ông Hồ Kỳ Minh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét các ý kiến của chủ đầu tư để tham mưu lãnh đạo thành phố, đồng thời đề nghị đại diện doanh nghiệp đăng ký lịch làm việc riêng với lãnh đạo để có hướng giải quyết cụ thể. Lãnh đạo thành phố sẽ đối thoại với các doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Khung giá đất hiện hành được UBND TP Đà Nẵng quy định ngày 7/4/2020. Tháng 12 năm ngoái, nhiều doanh nghiệp thuê đất thương mại dịch vụ ven biển đã ký "Đơn kêu cứu khẩn cấp" gửi HĐND thành phố. Đầu tháng 2, UBND TP Đà Nẵng gửi công văn đến Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xác định lại đơn giá thuê đất dự án theo mục đích sử dụng đất đối với từng hạng mục nhưng chưa được hồi đáp.
Giữa tháng 5, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gửi văn bản đề nghị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, UBND và HĐND TP xem xét cho các doanh nghiệp tiếp tục nộp tiền thuê đất như khung giá trước năm 2020; kiến nghị Quốc hội và Chính phủ không điều chỉnh tăng giá đất thuê trong giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19 (từ 2019 đến 2023).
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tài khoản công ty không bị phong tỏa, nợ tiền thuê đất không bị cưỡng chế do ảnh hưởng của việc tăng giá đất từ 300-400% (hiện nay gần 300 doanh nghiệp, dự án khu du lịch ven biển đã bị phong tỏa cưỡng chế tài khoản, gây khó khăn trong việc tiếp tục hoạt động, hoàn thành dự án dẫn đến doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc làm).
Hiện nay giá đất thị trường đã giảm 30-50% so với giai đoạn trước dịch bệnh. Trong khi các dự án nghỉ dưỡng ven biển có diện tích đất lớn nhưng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất thấp, nên doanh nghiệp mong muốn được áp giá phần đất xây dựng công trình tính bằng giá đất thương mại dịch vụ; đất giao thông, bãi đỗ xe tính bằng 35% đất phi nông nghiệp; đất cây xanh, công viên, mặt nước, bãi cát tính bằng giá đất phi nông nghiệp.
Tại Hội nghị gặp gỡ chính quyền và doanh nghiệp, chiều 6/10, ông Hồ Kỳ Minh cho biết UBND thành phố đã báo cáo HĐND thành phố giảm tỷ lệ tiền thuê đất từ 3% xuống 1% (khung thấp nhất); tỷ lệ đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh so với đất ở theo khung tối đa 90% thì Đà Nẵng đã đưa xuống từ 50-70%.