Ít ngày sau khi cơn bão Doksuri đổ bộ, trên đầm nuôi tôm ở xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) là cảnh tan hoang, xơ xác. Cây cối đổ ngổn ngang, bờ cát sạt lở, guồng máy bơm nước trên đầm trôi dạt tứ phía... Nhiều đầm tôm của người dân bị san phẳng, không còn gì ngoài cát.
Giữa trưa nắng gắt, ông Nguyễn Văn Dũng tha thẩn đi nhặt nhạnh vài thứ tài sản còn sót lại trên nền cát đầm tôm của gia đình. Đi một vòng song không thu được gì lành lặn, người đàn ông tuổi lục tuần lại ngồi đánh bệt trên gò đất nổi.
“Bão gió không lớn nhưng triều cường lên quá nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Mất sạch rồi…”, ông Dũng thở dài.
Mong muốn thoát nghèo, hai năm trước, ông Dũng vay vốn ngân hàng để làm hồ nuôi tôm. Gia đình ông có năm ô nuôi bị mất trắng trong đó có ba ô tôm thịt chỉ còn vài chục ngày nữa xuất bán, nhưng triều cường dâng cao đã cuốn đi tất cả. Ước tính thiệt hại một tỷ đồng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (64 tuổi) cũng bị cuốn trôi sáu ô nuôi tôm, diện tích hơn 1,7 ha.
“Bão về xóa những ô tôm thành bãi cát phẳng lỳ. Bão tan cũng là lúc gia đình rơi vào cảnh tay trắng”, ông Hùng nói và nhẩm tính, trung bình mỗi ô tôm ông mất 250 triệu chưa kể nhà xưởng và máy móc.
Sau bão, thấy đầm tôm bị bão cuốn trôi hết, con trai ông Hùng đã khăn gói rời quê đi làm thuê lấy tiền trả lãi ngân hàng để mình ông ở lại thu dọn khu đầm.
Gia đình chị Phạm Thị Huệ là một trong số hộ thiệt hại nặng nhất ở xã Hoằng Phụ. Chị có 8 ô nuôi tôm nhưng bị cuốn trôi mất 6 ô, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết, cả xã có hơn 100 ha nuôi tôm, cá và ngao đều bị thiệt hại trong trận bão Doksuri vừa qua. Nặng nề nhất là các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bị mất trắng vì đây đang trong thời điểm thu hoạch chính vụ của bà con.
Theo ông Bình, đầu tư vào đầm tôm cần khá nhiều vốn nên việc gượng dậy sau bão của người dân gặp nhiều khó khăn. Địa phương đang tìm phương án hỗ trợ người dân tái sản xuất.
"Uớc tính thiệt hại về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã 19 tỷ đồng", ông Bình nói.
Theo thống kê của nhà chức trách tỉnh Thanh Hoá, bão Doksuri đã khiến hơn 80.000 m3 đê bao nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, hơn 3.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Dù cơn bão không đổ bộ trực tiếp vào Thanh Hóa song tỉnh này vẫn báo cáo thiệt hại 1.000 tỷ đồng. Riêng huyện Hoằng Hoá, ước tính thiệt hại về thủy sản 500 tỷ đồng.
10h ngày 15/9, bão Doksuri (bão số 10) đổ bộ Hà Tĩnh, Quảng Bình với sức gió tối đa 133 km/h (cấp 12) - mạnh nhất từ năm 2014 đến nay. Sau 6 tiếng hoành hành, bão đã làm 8 người chết, gần 200.000 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng, gần 3.000 cột điện bị đổ. Các tỉnh rìa tâm bão như Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị cũng chịu nhiều thiệt hại. |