Chứng kiến cảnh chồng đánh chửi con, chị Nga (quận Bình Thạnh, TP HCM) không khỏi xót xa. Nhưng vì người chồng nóng tính không cho mẹ bênh bé nên chị đành ngậm ngùi để người cha mặc sức đánh phạt đứa con chưa đầy 3 tuổi. "Thấy thằng bé ngày càng khó bảo, tôi không biết phải làm sao. Ông xã tôi thì nóng tính, hễ cháu không nghe lời lại đánh đập, quát mắng. Mình làm mẹ, vừa thương vừa xót con nhưng lại sợ không giáo dục được con nên chỉ biết im lặng", người mẹ 32 tuổi trầm tư.
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý Trần Văn Hùng nhìn nhận xã hội càng hiện đại, nhịp sống hối hả, tất bật thì phụ huynh càng lo ngại vấn đề giáo dục con cái của mình, nhất là khi bố mẹ không có nhiều thời gian cho con. Vì không dành đủ thời gian gần gũi con, không hiểu được con nên khi dạy con không nghe lời, họ đâm ra chán nản và cảm thấy bất lực trong việc giáo dục "núm ruột" mình sinh ra.
Băn khoăn mà nhiều phụ huynh thường đặt ra là: “Làm thế nào để nuôi dạy con tốt trong khi vẫn phải đảm bảo chất lượng công việc?”. Thực tế ngày càng có nhiều ông bố bà mẹ trở nên cáu gắt, hay quát mắng con, thậm chí đánh đập chúng chỉ vì lý do “Tôi làm gì có thời gian mà dỗ ngon dỗ ngọt, công việc còn bù đầu nên tôi phải làm thế nó mới sợ mà nghe lời”. Song họ không biết rằng con trẻ cũng cần có nhu cầu được quan tâm, chia sẻ với bố mẹ và chúng không bao giờ muốn bị đánh mắng cả.
Nhà tâm lý từng chứng kiến cảnh những ông bố, bà mẹ đưa con đến cổng trường học rồi tranh thủ cho bé ăn sáng. Phụ huynh thì muốn con ăn nhanh để mình kịp quay về đi làm nhưng đứa trẻ lại rề rà ăn từng chút hoặc không chịu ăn. Quá tức giận, có người quát con rất to, có người tát con đến mấy phát trước cổng trường chỉ vì bé không chịu ăn.
"Đánh con không hẳn là xấu hoàn toàn nhưng lạm dụng nó chứng minh bố mẹ đang bất lực trong việc dạy dỗ con cái", tiến sĩ Hùng nhận xét.
Nhiều phụ huynh đã tìm đến chuyên gia tâm lý nhờ tư vấn cách giáo dục con sao cho phù hợp, làm sao để cha mẹ có thể nói cho con nghe và nghe, hiểu được những điều con nói?
Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy rất khó khăn để nắm bắt được suy nghĩ và cảm xúc của con bởi vì họ đã trải qua nhiều thử thách trong cuộc sống nên rất khó để quay lại hiểu tâm trạng của một đứa trẻ. Từ đó dẫn đến việc áp đặt lý luận của người lớn vào cảm xúc trẻ. Áp đặt không xong, họ chuyển sang việc đánh mắng, bôi nhọ như một cách để thỏa mãn cơn giận dữ của bản thân.
Tiến sĩ Hùng nhìn nhận, chính sự đánh mắng vô cớ ấy khiến trẻ bị mất thăng bằng, trở nên thất vọng về bản thân, xa lánh cha mẹ. Bên cạnh đó những từ ngữ dùng để bôi nhọ, sỉ nhục con càng làm đứa trẻ cảm thấy mình bị oan ức và tự khép chặt cánh cửa lòng mình lại. Đặc biệt, ở lứa tuổi học sinh dễ gây ra những hậu quả tiêu cực là chán đời, sống bất cần, thậm chí tự tử.
Cuộc khảo sát hàng năm về đời sống học sinh, sinh viên cho thấy, mùa tuyển sinh năm nào cũng có em buồn bã tự tử với những nguyên nhân như bố mẹ la mắng, thất vọng bản thân, không còn là đứa con được bố mẹ tự hào. Chính vì vậy, tiến sĩ Hùng khuyên các bậc cha mẹ khi dạy con làm sao cho con nói ra được những điều mà chúng suy nghĩ và nói sao cho con nghe thông qua hành động.
“Nói ít - nghe nhiều - đồng cảm nhiều: 3 câu đơn giản này thôi nhưng làm khó lắm. Thế nên nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng nói nhiều hơn nghe và cuối cùng là con không nghe lời mình nói. Dường như họ chỉ nói cho sướng cái miệng thôi”, ông chia sẻ.
Cũng theo quan sát thực tiễn của tiến sĩ Hùng, khi người lớn càng muốn trẻ loại bỏ suy nghĩ tiêu cực thì dường như trẻ lại càng mất thăng bằng. Bố mẹ thường không nói chuyện với con về cảm xúc xấu của bé vì sợ trẻ bị tổn thương thì càng làm cho tình hình còn tồi đi. Tuy nhiên, sự thật ngược lại, khi nghe những câu chia sẻ này từ bố mẹ hay người thân thì trẻ lại cảm thấy được an ủi. Thỉnh thoảng các em cũng mong được thể hiện cảm xúc sâu sắc của mình.
Vì thế, việc chia sẻ cùng con, lắng nghe con và tâm tình cùng con sẽ mang hiệu quả giáo dục rất cao. Tuy không phải là dạy bảo nhưng thực chất chính những lúc ấy, trẻ lại nhận ra bản thân và học được rất nhiều điều tốt mà bố mẹ mong muốn.
Nhằm cung cấp cho phụ huynh chiếc "chìa khóa" để mở cửa vào thế giới tuổi thơ và hiểu được cảm xúc, suy nghĩ của con mình, tiến sĩ Trần Văn Hùng có buổi nói chuyện chuyên đề “Nói con nghe - Nghe con nói” vào 8h30 sáng 26/4 tại Bình Dương. Địa điểm: Bkid, Lầu 3 Trung tâm thương mại Becamex Bình Dương, số 230 Đại lộ Hùng Vương, Thủ Dầu Một. Độc giả quan tâm có thể đăng ký tham dự miễn phí qua điện thoại 0908 350 590.
Thi Trân