Người đàn ông Anh này không phải trường hợp duy nhất ứng dụng AI vào chuyện giao tiếp tình cảm. Để có những lời tranh luận sắc sảo, những lời xin lỗi khiến đối phương cảm động và dễ dàng tha thứ, nhiều cặp yêu nhau đang nhờ đến sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo.
Diễn đàn mạng lớn nhất thế giới Reddit đang sôi động với câu chuyện của một người đàn ông nghi ngờ vợ dùng ChatGPT để viết lời xin lỗi. "Tôi biết chắc chắn đây không phải những gì cô ấy viết vì cô ấy không giỏi ăn nói như thế. Nhưng tôi không khó chịu, ngược lại còn cảm thấy đây là lời xin lỗi chân thành và rất xúc động", người này viết.
Dưới bài đăng của người này, một tài khoản khác kể bạn gái thường dùng ChatGPT để trò chuyện, ngay cả khi họ đang chung phòng. Hành động để AI can thiệp vào tình cảm khiến người này không thoải mái.
Cynthia Shaw, nhà tâm lý học làm việc ở New York và New Jersey (Mỹ) cho biết sử dụng AI có thể hữu ích, đặc biệt với những người không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Theo chuyên gia, những công nghệ AI như ChatGPT có thể tổng hợp thông tin từ các chuyên gia tâm lý và mục tư vấn chuyên nghiệp. Như với câu hỏi về việc phân chia công việc nhà, trợ lý ảo này có thể giúp người chồng hiểu suy nghĩ của vợ, từ đó đưa ra những khuyến nghị nên thực hiện.
Nhưng sử dụng AI để tìm cách ứng xử trong các cuộc tranh luận liệu có công bằng? Nhà tâm lý học cho rằng điều này phụ thuộc vào mục đích sử dụng.
Nếu dùng AI để tạo ra lời xin lỗi hoàn hảo, chúng có vẻ thiếu sự thành ý và làm cho có. Nhưng nếu dùng công cụ này để lắng nghe và giao tiếp tốt hơn lại cho thấy sự chân thành, mong muốn được kết nối.
Với Baron, người thường xuyên dùng ChatGPT đồng tình với vế thứ hai. "Nếu dùng ChatGPT chỉ để cãi thắng cuộc tranh luận, đây là ý tưởng tồi. Tranh luận để giải quyết vấn đề, không chuyện thắng hay thua", ông nói.
Trong các trường hợp xung đột khiến giao tiếp trực tiếp trở nên khó khăn, Janet Bayramyan, chuyên gia trị liệu ở Los Angeles (Mỹ) cho rằng ChatGPT là công cụ hữu hiệu. Đặc biệt với những người gặp khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ một cách rõ ràng hoặc xu hướng nói chuyện dễ gây hiểu lầm, AI này có thể hỗ trợ các cách diễn đạt phù hợp hơn.
Tuy nhiên không phải mọi lời khuyên đều hữu ích.
Melanie McNally, nhà tâm lý học ở Illinois (Mỹ), e ngại ChatGPT có thể không cung cấp được câu trả lời như ý. Nguyên nhân là bởi mọi người thường đưa ra những câu hỏi dựa trên quan điểm riêng, do vậy câu trả lời cũng có thể bị thiên lệch. Ứng dụng này cũng không chỉ ra vai trò của người dùng trong mâu thuẫn hay giúp họ hiểu quan điểm của đối phương, trừ phi được yêu cầu.
"Nếu bạn đang xin lỗi, ChatGPT không thể thay bạn thể hiện sự ăn năn", chuyên gia tâm lý nói. McNally cũng cho rằng sử dụng ChatGPT để giải quyết mâu thuẫn có thể khiến một trong hai bỏ lỡ cơ hội để thấu hiểu đối phương hay kiểm soát được cảm xúc. Bởi các cuộc tranh cãi phức tạp đòi hỏi mọi người phải hiểu được ngôn ngữ cơ thể, quan điểm, hoàn cảnh của người kia cùng nhiều yếu tố khác. Đó là thứ AI không thể làm.
Bên cạnh đó, ChatGPT có thể hữu ích với những người neurodivergent (nhóm có chức năng và vận hành não bộ khác biệt). Bởi họ dễ gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ cơ thể, nhận diện tín hiệu phi ngôn ngữ hoặc đồng cảm với cảm xúc của người khác.
Như với Baron, anh chọn ChatGPT bởi mắc chứng bị ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) và vợ bị Asperger (rối loạn tự kỷ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội) khiến việc bày tỏ gặp khó khăn.
Nhưng không phải ai cũng đồng tình với việc dùng ChatGPT. Một số ý kiến cho rằng đây là cách một số người trốn tránh thực tại.
Natalie Grierson, cố vấn sức khỏe tâm thần tại Ohio (Mỹ) cho rằng nếu phát hiện đối phương đang dùng ChatPGT để tranh luận, người còn lại có thể cảm thấy bị lừa dối, phản bội.
"Để AI can thiệp có thể mất đi sự chân thành vốn là yếu tố quan trọng khi giải quyết mâu thuẫn, tình cảm dễ rạn nứt", Natalie Grierson nói.
Minh Phương (Theo Huffpost)