Gần 10 năm phát tâm làm từ thiện, chị Đào Thị Xuân ở ấp 3, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước đã tạo cơ hội cho 24 số phận không nhà cửa, sống vất vưởng đầu đường, xó chợ, bãi rác… được chữa bệnh tại Bệnh viện tâm thần Trung ương II (Đồng Nai) hoặc vào trung tâm bảo trợ tỉnh... Chưa kể, hàng trăm hộ nghèo, người mù, tàn tật, đặc biệt là trẻ em nghèo vẫn được chị cùng các mạnh thường quân cấp gạo, giúp tiền để các em vượt nghèo học giỏi…
Chị Xuân nhớ lại cái ngày cách đây 9 năm, chị gặp người con gái điên điên dại dại cầm lon bia múc nước ở một vũng tù uống ngon lành. Vũng nước bùn đen ngòm hôi thối khiến chị nổi da gà. Xót xa trong lòng, chị nghĩ: “cũng là thân phận người mà sao lại khổ thế”. Không cầm lòng bỏ đi, chị mua cho cô gái điên lon nước ngọt.
Về nhà, hình ảnh cô gái điên không thôi ám ảnh, lòng chị bứt dứt khó tả. Vậy là chị quyết tâm đi tìm. Cô gái ấy chừng 30 tuổi, người bốc mùi hôi thối, nằm tại đống rác kế bệnh viện. Chị nhẹ nhàng “dụ” cô gái ra ăn. Thấy người lạ, cô ta làm dữ để tự vệ nhưng chị vẫn kiên trì dỗ ngọt. Vì được khen đẹp, bản năng phụ nữ trở nên dịu dàng, cô ta nhoẻn miệng cười cho chị tới gần. Vậy là từ đó, hàng ngày, đều đặn 3 lần chị đem ra bãi rác cho cô gái điên, rồi tỉ tê tâm sự để tìm hiểu hoàn cảnh nhưng cũng chỉ biết mỗi cái tên là Yên. Chị chia sẻ: “Có lần, mình đem cơm ra muộn, thấy Yên bới rác tìm rau ôi, cơm thiu cho vào miệng vì đói. Mình rất ân hận nên không đưa cơm ra trễ nữa”.
Không chỉ đều đặn đem cơm, chị Xuân còn cho Yên quần áo cũ của mình. Một lần, đưa cơm ra cho Yên như mọi khi, chị thấy cô gái điên sốt, nằm co quắp không ăn nổi cơm. Chị phát hiện Yên đeo cái “long đền” bằng thép làm nhẫn và nó siết chặt khiến cho tay lở loét rồi mưng mủ, làm cô gái điên bị sốt.
Chị mua thuốc ngủ cho Yên uống và dùng kiềm để cắt nhưng không được. Sau đó, chị nhờ được người đưa Yên vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước.
Sáu tháng nhẫn nại lo thủ tục, cuối cùng chị Xuân đã xin được cho Yên đi chữa bệnh tại Bệnh viện tâm thần Trung ương II - Đồng Nai.
Kể từ khi gặp Yên, chị Xuân quan tâm nhiều hơn tới những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh. Cứ “lỡ” nhìn thấy một người không bình thường, lay lắt nơi đầu đường, xó chợ hoặc mái hiên thì chị lại không thể bỏ qua.
Mặc miệng đời bàn tán nói chị “rỗi hơi làm chuyện bao đồng”, chị vẫn đi gõ cửa nhiều nơi, kêu gọi lòng hảo tâm giúp đỡ những mảnh đời lang thang, cơ nhỡ. Chị bảo mình làm vì cái tâm chứ không buồn vì lời người chưa hiểu. Có lẽ vì thế mà giờ đây đã có rất nhiều người tìm đến ủng hộ cả vật chất và tinh thần cho chị tiếp tục công việc. Chồng và các con cũng động viên, tạo điều kiện rất nhiều.
Có lần, thấy chị buồn phiền, ăn không ngon, ngủ không yên trước thủ tục lo cho người cơ nhỡ đến ở tại trung tâm bảo trợ chưa xong vì trục trặc hồ sơ, chồng chị đã phải nửa đùa nửa thật: “Từ nay, em đi đâu đừng nhìn ngang nhìn ngửa nữa nhé. Chỉ nhìn đường thẳng rồi về nhà thôi chứ cứ thấy hoàn cảnh nào em cũng không đành lòng bỏ qua như thế thì cực thân em quá. Em buồn anh cũng thấy sốt ruột”. Chồng chị nói như thế cũng vì quá thương vợ.
Đa số những người chị giúp đều là người ngoài tỉnh đến Bình Phước nên việc kiếm tìm rất khó khăn, người bị tâm thần lại càng khó. Chị bảo: “Mình làm phúc thì con cái mình cũng sống tốt và có tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ. Đó là cái được lớn lắm, không tiền bạc nào mua được”. Rồi chị cười hiền hậu: “Phúc đức tại mẫu mà”.
Nhiều người bảo chị rảnh rỗi lại khá giả nên mới “ôm việc thiện hạ”. Họ đâu biết để chuẩn bị cho một chuyến thăm nuôi hay tặng quà từ thiện, lo chăm sóc những người điên, người tàn tật, chị đã phải “lọ mọ” cả đêm để làm việc nhà, lo cơm nước chu đáo cho chồng, con. Và kinh phí cho những chuyến đi thì ngoài vận động người thân, các nhà hảo tâm thì chị cũng phải “bỏ heo” từ tiền ăn hằng ngày…
Hạnh phúc khi giúp được nhiều người, hai đứa con lớn của chị cũng thường theo mẹ làm từ thiện. Chị muốn ươm mầm từ thiện trong lòng con từ chính việc làm cụ thể của mình. Nhiều cảnh đời bất hạnh nhờ có chị chìa tay nâng đỡ đã lột xác như một phép nhiệm màu. Mùa xuân đang về và chị lại thêm tất bật với việc làm từ thiện để mùa xuân, người nghèo không tủi.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Ngọc Tú