Ngày 17/1, đại diện Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan điều tra đang khẩn trương xác minh vụ 20 nhân viên ngành y tế địa phương bị phát giác mua bán, sử dụng bằng giả. Ngoài việc thu hồi toàn bộ hồ sơ của những người có liên quan chuyển cơ quan công an điều tra theo thẩm quyền, Sở Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị buộc thôi việc với những lao động sử dụng bằng giả.
Trước đó từ tháng 3 đến 9/2014, Sở Y tế Thanh Hóa đồng loạt kiểm tra bằng cấp của tất cả cán bộ, nhân viên, lao động đang hoạt động trong ngành. Theo kết luận thanh tra, toàn tỉnh có 20 trường hợp dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm… dùng bằng giả. Trong đó, có 3 trường hợp bằng giả trình độ cao đẳng điều dưỡng, 9 trường hợp bằng y sĩ, 4 trường hợp dược sĩ trung học, một trung học điều dưỡng, một kỹ thuật viên xét nghiệm trung học và 2 bằng tin học giả.
Nhiều trường hợp công tác khá lâu năm trong nghề nhưng đến nay mới bị phát giác, như ông Lê Văn Lệ (57 tuổi, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn). Trước khi bị phát hiện sử dụng bằng cấp tẩy xóa, có dấu hiệu giả mạo, ông Lệ làm trạm trưởng suốt 20 năm. Sau khi có kết luận ông Lệ sử dụng bằng cấp không đúng, ông này giải trình đã học tại Trường Quân y số 1 Sơn Tây và được cấp bằng. Tuy nhiên, khi đối chiếu hồ sơ gốc, ông Lệ không có tên.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Triệu Sơn, cho biết trong thời gian công tác, ông Lệ chủ yếu tham gia lĩnh vực tuyên truyền, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế dự phòng… Trong quá trình công tác, dù Trạm y tế xã Đồng Thắng từng nhiều lần bị đánh giá yếu về chuyên môn, nhưng rất may chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
“Đối với công việc trong ngành y tế mà không liên quan đến chuyên môn sâu thì người không được đào tạo trong ngành tồn tại được có thể do họ tự đọc sách, học hỏi và hỗ trợ từ đồng nghiệp...”, ông Tuấn lý giải thêm.
Trong 4 trường hợp dùng bằng dược sĩ trung học giả có bà Lê Thị Thúy (29 tuổi, quê xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa). Với tấm bằng Dược sĩ trung học giả do Trường Trung học Y tế Hà Nội cấp, bà đã làm việc tại Khoa Dược vật tư thiết bị y tế (Bệnh viện Nội tiết tỉnh Thanh Hóa) 8 năm liền. Hằng ngày, bà Thúy vẫn đều đặn cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Khi bị phát hiện dùng bằng giả, bà Thúy bị cơ quan đuổi việc, nhưng sau đó lại được ông Lê Minh Sứ, nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết, tiếp tục ký hợp đồng lao động có thời hạn một năm ở Khoa Khám bệnh với công việc hộ lý.
Bà Nguyễn Thị Hải cũng dùng bằng dược sĩ trung học giả và bị Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương sa thải. Giải trình với cơ quan, bà Hải cho hay, có học dược sĩ tại một trường ở Hải Dương, nhưng thực tế bà này không theo học. Tương tự, Hoàng Đình Kiên (hợp đồng thử việc ở Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa) giải trình, có học ở Trường Trung cấp Y Dược Văn Hiến nhưng chưa lấy được bằng nên đã mua bằng cao đẳng điều dưỡng ở Phú Thọ.
Trong 9 cán bộ dùng bằng y sĩ giả có bà Ngô Thị Tám (46 tuổi, làm việc ở Trạm y tế thị trấn Triệu Sơn), bà Bùi Thị Xuân (55 tuổi, công tác Trạm Y tế xã Lương Nội, huyện Bá Thước), ông Lê Xuân Thướng (50 tuổi, làm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn), bà Thái Thị Phượng (51 tuổi, công tác tại Trạm Y tế xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc)... Dù có bằng chuyên môn giả là y sĩ nhưng những cán bộ này đều trực tiếp thăm khám, cấp phát thuốc, điều trị cho bệnh nhân.
Trao đổi với VnExpress, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền cho biết, đã yêu cầu Sở Y tế làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. “UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế và cơ quan công an nhanh chóng làm rõ nguồn gốc của các tấm bằng và sai phạm từng trường hợp cụ thể. Nếu xác định có liên quan đến vấn đề tiêu cực trong tuyển dụng hoặc phát hiện tổ chức, cá nhân, đơn vị biết người lao động sử dụng bằng giả mà vẫn bao che thì xử lý nghiêm, kiên quyết không bao che”, ông Quyền khẳng định.
Liên quan đến vụ việc, phía Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế Thanh Hóa đề nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đối với 20 nhân viên y tế sử dụng bằng giả. Trên cơ sở đó thực hiện kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không để ảnh hưởng đến công tác chuyên môn.
Theo một lãnh đạo Bộ Y tế, vụ bằng giả trong ngành y tại Thanh Hóa đến thời điểm này được coi là vụ việc liên quan đến bằng giả lớn nhất. Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống văn bằng trong lĩnh vực y tế tại Thanh Hóa, không thể coi thường sức khỏe người bệnh.
"Nếu xác định thực sự là bằng giả về chuyên môn thì phải đình chỉ, không cho hành nghề. Còn nếu bằng giả, đang là trung cấp đi mua bằng cao đẳng, thì sẽ phải cho trở lại vị trí đúng như bằng cấp”, vị này khẳng định và cho hay sắp tới sẽ có một tổ công tác đi đến Thanh Hóa gồm các thành viên của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ.
Lê Hoàng – Nam Phương