Bệnh nhân nữ, 66 tuổi ở Hà Nam đi du lịch Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai, về nhà 5 ngày thì xuất hiện sốt. Bà có tiền sử đau xương khớp, sử dụng thuốc nam không rõ loại. Tại Bệnh viện tỉnh Hà Nam, người bệnh được chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân, hạ tiểu cầu.
5 ngày sau, tình trạng người bệnh chuyển xấu, được đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nặng, tiểu cầu hạ thấp, máu cô đặc, tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng cao. Các bác sĩ cấp cứu, lọc máu liên tục, đặt nội khí quản thở máy và truyền bù chế phẩm máu. 5 ngày sau, tình trạng bệnh nhân cải thiện, tiểu cầu tăng, sức khỏe ổn định.
Cũng có biểu hiện tương tự sau 6 ngày trở về từ TP HCM, nam sinh 17 tuổi (ở Hải Dương) xét nghiệm dương tính với Dengue. Bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang, sau đó chuyển lên Bạch Mai. Tuy nhiên, do nhập viện muộn, tình trạng bệnh nhân rất nặng nề, tiểu cầu hạ chỉ còn 20 G/L, tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, chảy máu chân răng, men gan tăng, xuất huyết dưới da.
Trường hợp thứ ba, bệnh nhân nam, 38 tuổi, ở Bình Định, lái xe đường dài. Bệnh nhân đã có biểu hiện sốt từ nhà, khi đến Lạng Sơn thì triệu chứng sốt tăng nặng, lên cơn co giật nên được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue, có biểu hiện viêm màng não hiếm gặp. Người bệnh đang được theo dõi, chăm sóc tích cực.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 30/6 cho biết từ đầu tháng đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị hàng chục trường hợp sốt xuất huyết, đa số đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam
"Mặc dù chỉ xuất hiện lẻ tẻ các ca bệnh, chưa bùng phát mạnh như miền Nam song hầu hết trường hợp đến viện muộn, tình trạng nguy kịch", bác sĩ nói.
Miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti sinh sản phát triển, kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè, nhu cầu đi lại gia tăng. Bác sĩ dự báo thời gian tới, số ca tăng nhanh, "đỉnh dịch có thể vào tháng 8", nên cần chủ động phòng tránh từ lúc này.
Hiện, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị cơ sở vật chất gồm dịch truyền, thuốc men và tập huấn nhân viên y tế chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh sốt xuất huyết. Y bác sĩ cần lưu ý các dấu hiệu chỉ điểm của sốt xuất huyết để làm xét nghiệm khẳng định, tránh nhầm lẫn với một số bệnh như Covid-19, sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng khác.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi trở về từ vùng dịch, có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu...
Khi bị sốt, người dân không nên tự mua thuốc, tự điều trị. Trường hợp sốt 2-3 ngày trở lên nên nghĩ ngay đến sốt xuất huyết và phải đến cơ sở y tế.
Khi được chẩn đoán sốt xuất huyết, người bệnh tuân thủ tái khám và theo dõi dấu hiệu bệnh sát sao hơn. Trường hợp hết sốt vẫn lừ đừ, mệt mỏi, tay chân lạnh, da nổi bông, tiểu ít, đau bụng, nôn ói nhiều, chảy máu răng, rong kinh ở phụ nữ, đi tiêu phân đen... cần nhập viện ngay.
Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vaccine phòng ngừa. Do đó, người dân chủ động phòng chống dịch, diệt muỗi vằn và loăng quăng, ngủ trong mùng kể cả ban ngày, sử dụng kem đuổi muỗi, vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh để phòng bệnh.
Đến hết 26/6, toàn quốc ghi nhận 77.000 người mắc sốt xuất huyết, 30 trường hợp tử vong. Tâm dịch hiện ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam, với số ca mắc vượt đỉnh dịch 2019.
Thùy An