32 bị cáo trong vụ án. |
27 trên tổng số 32 bị cáo trong vụ buôn lậu này có đơn kháng cáo. Trong đơn kháng cáo trước đây, 22 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, cho rằng bị kết án oan vì họ đã làm đúng quy trình và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, khi HĐXX kiểm tra nội dung kháng cáo, đa số bị cáo này đều thay đổi nội dung kháng cáo kêu oan thành xin giảm án.
Tại phiên tòa sơ thẩm trước đó, TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên phạt Nguyễn Thị Hạnh (nguyên giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hạnh Phúc) 16 năm tù; 5 bị cáo khác từ 3 đến 14 năm tù về các tội buôn lậu, vận chuyển trái phép chất ma túy; 26 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan lãnh từ 9 tháng tù cho hưởng án treo đến 4 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đầu năm 2002, Nguyễn Thị Hạnh đứng ra nhận lãnh bao thuế nhập khẩu trái cây các loại với giá 3.300-4.500 đồng/kg cho nhiều đối tượng buôn bán, đồng thời lo thủ tục hải quan nộp thuế nhập khẩu và chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Mộc Bài về TP HCM.
Để thực hiện trót lọt các phi vụ vận chuyển hàng lậu nói trên, Hạnh cùng các đồng phạm đã móc nối với cán bộ nhân viên hải quan cửa khẩu lập tờ khai số lượng và chủng loại mặt hàng có mức thuế suất thấp; đổi lại Hạnh bồi dưỡng cho mỗi nhân viên hải quan từ 500.000 đến 1 triệu đồng/mỗi lượt tùy theo hàng nhiều hay ít. Từ cách làm đó, Hạnh cùng đồng phạm đã nhiều lần "tuồn" hàng lậu trót lọt.
Vụ án này được phát hiện ngày vào 23/3/2003, khi cơ quan chức năng bắt quả tang một chuyến hàng trái cây do doanh nghiệp Hạnh Phúc vận chuyển về TP HCM có chứa 300 viên ma túy tổng hợp. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện sự tiếp tay của 26 cán bộ hải quan tại cửa khẩu Mộc Bài để Hạnh trốn thuế trên 6 tỷ đồng, riêng Hạnh chiếm hưởng hơn 2,1 tỷ đồng.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
N. Hải