Phần lớn bệnh nhân không thể biết họ thực sự cần làm xét nghiệm nào. |
Nhiều cơ sở y tế đã dùng tiền ngoài ngân sách để mua sắm các thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị. Điều này giúp điều trị tốt hơn cho người dân và tăng thu nhập cho y bác sĩ. Tuy nhiên, như lời của bà Nguyễn Thanh Thủy (đại biểu Bình Định), tình trạng lạm dụng xét nghiệm và kỹ thuật cao ngày càng phổ biến cả ở cơ sở công và tư, gây lãng phí và tăng gánh nặng cho bệnh nhân. Do đó, cần kiểm tra, giám sát chặt hơn.
Cùng mối băn khoăn này, ông Lê Dũng (Tiền Giang) nói: "Thái độ phục vụ tốt hơn ở các cơ sở tư khiến nhiều bệnh nhân đến đây dù tốn kém. Nhưng nhiều bác sĩ tư móc nối với hiệu thuốc, hoặc bán thuốc với giá mà chỉ họ biết là chênh lệch bao nhiêu, cho làm thật nhiều xét nghiệm để lấy tiền. Người dân không có chuyên môn, chỉ biết móc tiền ra trả".
Cũng nói về mặt trái của xã hội hóa y tế, ông Mã Đình Cư (đoàn Quảng Ngãi) khẳng định có tình trạng lạm dụng cơ sở vật chất của nhà nước để làm dịch vụ. Còn đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) phản ánh một thực trạng: Nếu tài sản, dịch vụ có trục trặc gì thì phần của tư nhân được khắc phục rất nhanh, còn của Nhà nước thì rất chậm vì không ảnh hưởng đến ai: "Chẳng hạn nếu máy CT bị hỏng một bóng đèn thì phòng khám tư nhân thay ngay trong 4-5 ngày, còn bệnh viện công thì có thể mất 5-6 tháng".
Một số đại biểu nêu băn khoăn về tình trạng bác sĩ bệnh viện công làm thêm ở cơ sở tư: "Sau 8 tiếng mệt nhoài trong bệnh viện vì phải khám cho hàng trăm bệnh nhân, họ lại ra ngoài làm thêm, sức khỏe không tốt có thể ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán, điều trị, thậm chí nguy hiểm cho người bệnh" - bà Vũ Thị Diện, đoàn Thái Bình, nói.
Ngoài ra, trong nhiều bệnh viện hiện nay vẫn có hiện tượng khu dịch vụ theo yêu cầu với đầy đủ tiện nghi, rộng rãi xen lẫn với cảnh bệnh nhân BHYT nằm chen chúc 2-3 người một giường. Nhiều đại biểu cho rằng cảnh này gây phản ứng tâm lý không hay, nhất là với bệnh nhân nghèo.
Cũng trong 2 buổi họp về xã hội hóa y tế, nhiều đại biểu cho rằng cần sớm tăng viện phí để phù hợp với mức giá hiện nay. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, quy định viện phí được ban hành cách đây 14 năm, đã quá lạc hậu khi mặt bằng giá tăng vùn vụt, nhiều kỹ thuật mới đắt tiền ra đời. Với mức viện phí này, các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, đại biểu Hà Nội, Phó giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, làm phép tính: Chi phí cho một bàn khám bệnh là 7 triệu đồng mỗi tháng. Để bù đủ chi phí này, với giá quy định là 2.500 đồng/lần khám, mỗi tháng bác sĩ phải tiếp 2.800 bệnh nhân, tức gần 130 người một ngày làm việc. Như vậy, mỗi bệnh nhân chỉ được gặp bác sĩ trong hơn 4 phút. Với thời gian khám như vậy, rất khó đảm bảo chất lượng.
Do vậy, bà Ý Nhi và nhiều đại biểu khác cho rằng, Nhà nước cần tăng ngân sách cho y tế, khoản nào Nhà nước đầu tư thì nói rõ để không thu phí của bệnh nhân, còn khoản nào thu thì phải tính đúng tính đủ. Khi đó, giá viện phí sẽ tăng cao, và để cho người dân vẫn tiếp cận được với dịch vụ y tế hiện đại, cần đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Hải Hà