Tại TP HCM, sản phụ 44 tuổi, mang thai 31 tuần, bị viêm phổi nguy kịch, suy hô hấp cấp phải mổ cấp cứu lấy thai, đã hồi phục sau hai tuần nhập viện. Ngày 2/9, bác sĩ Lê Duy Lạc, khoa Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Covid-19 TP Thủ Đức, cho biết thai phụ nhập viện trong tình trạng khó thở ngày càng tăng, phải thở oxy dòng cao bằng máy thở HFNC. Bệnh viện hội chẩn khẩn đa chuyên khoa, gồm hồi sức Covid-19, sản, hồi sức nhi, gây mê hồi sức, chống nhiễm khuẩn... để tìm phương án cứu cả mẹ và con.
Các bác sĩ chẩn đoán thai phụ bị suy hô hấp cấp, viêm phổi mức độ nguy kịch do Covid-19, phải chuyển ngay tới phòng mổ áp lực âm để mổ cấp cứu lấy thai. Mọi khâu như gây mê mẹ, hồi sức sơ sinh cho em bé sao cho an toàn và tránh lây nhiễm, chuẩn bị các tình huống chăm sóc hồi sức tích cực cho mẹ... được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cuộc sinh mổ diễn ra an toàn, bé gái được chăm sóc ở khoa Hồi sức Nhi, may mắn không mắc Covid-19. Vấn đề khó nhất là hồi sức cho người mẹ vì phổi tổn thương nặng nề với lượng oxy giảm rất thấp. Sản phụ được thở máy, truyền máu, lọc máu liên tục hấp phụ Cytokines trong 5 ngày...
Trải qua hai tuần thở máy và chăm sóc tích cực của đội ngũ y bác sĩ khoa hồi sức, bệnh nhân có những đáp ứng tốt và đã rút được ống nội khí quản. Hiện chị đã ngưng hỗ trợ oxy, tỉnh táo, có thể vận động đi lại nhẹ nhàng, không còn khó thở, hai lần xét nghiệm RT-PCR âm tính liên tục. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện sau ba ngày nữa. Bé gái cũng khỏe mạnh và được về nhà trước đó.
Bác sĩ Lạc chia sẻ, đây là trường hợp mang thai khi đã lớn tuổi và diễn biến viêm phổi rất nguy kịch, có nhưng giây phút tưởng chừng không qua khỏi vì tình trạng oxy máu và huyết áp tụt rất thấp.
Một thiếu niên hơn 15 tuổi, ngụ quận 8, mắc Covid-19 nặng hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 2/9, cho biết bệnh nhi được Bệnh viện Bình Chánh cho thở oxy chuyển đến cấp cứu, cách đây hai tuần. Trước đó, bệnh nhi sốt cao 5 ngày, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở, mệt, xét nghiệm dương tính nCoV.
Theo bác sĩ Tiến, khi vào viện, bệnh nhi thở nặng nhọc do béo phì cân nặng 135 kg, tím môi trên, SpO2 giảm còn 78% (bình thường 96-98%), nhịp tim nhanh 144 lần một phút.
Xác định tình trạng bệnh nhi nguy kịch, các bác sĩ điều trị hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục, truyền thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông... Tuy nhiên, hô hấp người bệnh diễn tiến xấu hơn, được chuyển thở máy không xâm nhập vẫn không cải thiện.
Hình ảnh X-quang phổi ghi nhận tổn thương phổi nặng lan tỏa hai bên, chỉ sau 24 giờ so với tổn thương phổi ban đầu, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Bệnh nhi được hội chẩn xem xét thở oxy lưu dòng cao (HFNC), nếu thất bại sẽ đặt nội khí quản thở máy.
May mắn, bé đáp ứng với thở HFNC. Xét nghiệm máu cho thấy biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh nên bệnh nhi được điều trị truyền tĩnh mạch thuốc kháng viêm liều cao, dùng chống đông, kháng sinh phổ rộng. Các bác sĩ cũng điều trị hỗ trợ, điều chỉnh nước điện giải, toan kiềm, hạ sốt, dinh dưỡng, xoay trở tư thế giúp dễ thở và chống loét.
Sau hơn hai tuần điều trị, hiện tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, chuyển thở oxy qua mask, qua cannula và được hỗ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Thời gian qua, bệnh viện ghi nhận nhiều trẻ mắc Covid-19 trên cơ địa béo phì. Theo bác sĩ Tiến, tình trạng béo phì gây khó khăn cho các bác sĩ trong việc chỉnh lại cân nặng thích hợp để sử dụng thuốc và dịch truyền, tránh quá tải dịch. Béo phì cũng làm nặng thêm tình trạng suy hô hấp, thiếu dịch gây giảm tưới máu các cơ quan, khó khăn trong việc vận chuyển bệnh...
![Một trường hợp trẻ béo phì nguy kịch khi mắc Covid được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/09/02/nha-n-vie-n-y-te-jpeg-16306001-2360-5179-1630600198.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=s1AQ1EYC8ArKqW9pfIjLnw)
Một trường hợp trẻ béo phì nguy kịch khi mắc Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Các bệnh viện TP HCM hiện đang điều trị hơn 2.500 trẻ em, trong đó số trẻ F0 tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Thành phố luôn trên con số 200 mỗi ngày. Nhiều thiếu niên khỏe mạnh, cân nặng quá khổ có diễn biến rất nhanh, nặng, khi vào viện đã tổn thương phổi hai bên nặng nề cần thở máy không xâm nhập.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo, Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca trẻ em chiếm 10-15% tổng số trường hợp F0 khẳng định bằng xét nghiệm PCR. Phụ huynh cần lưu ý đi khám sớm khi thấy con sốt ho, đau rát họng, khó chịu... Chú ý chế độ ăn uống của trẻ, tránh dinh dưỡng quá mức gây thừa cân, béo phì, dễ phát sinh các bệnh lý liên quan như cao huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ suy hô hấp cao khi mắc bệnh.
15 bệnh nhân từng nặng và nguy kịch tại Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh), trực thuộc Bệnh viện Việt Đức, ra viện ngày 2/9.
Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết trong số các bệnh nhân được ra viện có nhiều trường hợp phải điều trị bằng oxy lưu lượng cao, không đáp ứng, viêm phổi nặng... Nhiều bệnh nhân kèm các bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu...
Nhập viện từ ngày 11/8, ông Tuấn 60 tuổi, là một trong những bệnh nhân nặng nhất được điều trị đầu tiên tại Trung tâm ICU Việt Đức. Ông nói khi xuất viện: "Cảm ơn các thầy thuốc đã nỗ lực cứu chữa. Với tôi, những ngày điều trị ở đây là những ngày tháng không quên".
Trung tâm đang điều trị hơn 200 bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân đã hết triệu chứng tiếp tục được theo dõi và xét nghiệm PCR đánh giá, đủ tiêu chuẩn sẽ được ra viện.
"Đây là thành quả của sự nỗ lực không mệt mỏi, tận tâm chăm sóc bệnh nhân của các y bác sĩ", ông Giang nói.
![Các bệnh nhân được xuất viện ngày 2/9. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/09/02/239709764-1496795450682316-635-1430-9741-1630594247.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6vEG-gtLLQMWQvKRNip1Gg)
Những người được xuất viện ngày 2/9. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Việt Đức đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh), 500 giường, là một trong 6 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 có quy mô lớn tại TP HCM. Hàng nghìn bệnh nhân điều trị tại các trung tâm này thời gian đã hồi phục và chuyển nhẹ.
Ở Đồng Tháp, nữ bệnh nhân 62 tuổi, tiền sử đái tháo đường nhiều năm kèm bệnh lý suy tim, mắc Covid-19 nặng, suy hô hấp, bất ngờ lên cơn ngưng tim khi đang thở máy tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Bác sĩ phát hiện kịp thời, nỗ lực cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công. Sau đó, bệnh nhân phải thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục, theo dõi huyết áp động mạch kết hợp với kháng sinh, kháng viêm, chống đông, tập phục hồi chức năng.
Tình trạng bệnh nhân ổn định dần, được cai máy thở và rút nội khí quản ngày 20/8, sau hai tuần nhập viện.
Ngày 2/9, bệnh nhân hồi phục khỏe mạnh, xuất viện. Đây là ca bệnh Covid-19 ngừng tim, thở máy được cứu sống được các bác sĩ xem là "kỳ tích" tại tỉnh Đồng Tháp dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện E và Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Thủy, Trưởng đoàn Bệnh viện E đang chi viện tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, cho biết khoa hồi sức cấp cứu đang có gần 40 ca bệnh nặng, trong đó hơn 50% thở máy.
"Ca xuất viện này là kết quả sau những nỗ lực chăm sóc và điều trị không quản ngày đêm trong môi trường nguy cơ lây nhiễm rất cao của y bác sĩ", bác sĩ Thủy chia sẻ.
![Các y bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/09/02/die-u-tri-be-nh-nha-n-do-ng-th-2433-8206-1630594349.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=O_gS3z8wD0YPEOSL_e3zQQ)
Các y bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Trưởng đoàn Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho rằng điều không thể thiếu để làm nên kỳ tích cứu sống người bệnh là sự gắn kết, thống nhất giữa các đoàn y bác sĩ, cùng chung đích đến là giành giật sự sống cho người bệnh.
Theo bác sĩ Quân, so với các bệnh phổi khác trong lĩnh vực lão khoa, điều trị Covid-19 khác biệt rất nhiều. Theo đó, đây là một bệnh mới xuất hiện, hiểu biết của con người về bệnh còn hạn chế. Thứ hai, biến chủng Delta có sức lây lan rất nhanh và tỷ lệ tử vong cao là một khó khăn rất lớn.
"Với số lượng lớn bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng nguy kịch, việc cấp cứu, chăm sóc và điều trị là một thách thức rất lớn cho y bác sĩ", bác sĩ Quân chia sẻ.