Nhận xét về tình hình phẫu thuật thẩm mỹ trong buổi gặp gỡ phân tích nguyên nhân dẫn đến các sự cố làm mất uy tín ngành phẫu thuật thẩm mỹ, diễn ra hôm qua 31/10, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, phòng Thông tin truyền thông của Hội cho rằng "rất phức tạp". Có không ít người không có chuyên môn hoặc chuyên môn không cao nhưng vẫn nhận khách hàng. Nhưng nghiêm trọng hơn là tình trạng quảng cáo quá lố.
Theo ông Hải, có những kỹ thuật rất cũ nhưng bác sĩ đẩy lên thành thời thượng, tạo thành một làn sóng trong khi người dân thì không nắm rõ nên cứ tin. “TP HCM hiện chỉ có vài chục phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ nhưng có đến hơn 3.000 cơ sở spa, thẩm mỹ viện… quảng cáo loạn xạ. Các cơ sở này dùng những thuật ngữ để lách luật, đánh lừa khách hàng. Điển hình là phương pháp hút mỡ là phương pháp rất cũ, nhưng gần đây họ đẩy lên rất cao siêu và đua nhau làm”, bác sĩ Hải nói.
Hội viên Nguyễn Xuân Cương, người có gần 40 năm kinh nghiệm trong nghề phẫu thuật thẩm mỹ tại TP HCMcũng cho rằng, nhiều bác sĩ làm lố đến mức cắt mí mắt cũng rao làm bằng nội soi, hút mỡ nội soi. “Điều này chứng tỏ bác sĩ quảng cáo không biết gì về hút mỡ”, bác sĩ Cương nói.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP HCM thì cho rằng, trong quảng cáo, sơ sở thẩm mỹ nào cũng cho mình là giỏi nhất. Người trước khẳng định mình giỏi nhất Việt Nam thì người sau quảng cáo mình giỏi nhất khu vực, khiến khách hàng nhầm tưởng.
“Nhiều anh em trong giới cho rằng muốn tạo đẳng cấp thì phải quảng cáo nhưng họ đâu biết muốn trở thành chuyên gia hàng đầu phải mất từ 20 đến 30 năm. Việc quảng cáo quá lên đang làm cho bộ mặt của ngành phẫu thuật thẩm mỹ không sạch sẽ”, ông Hành nói.
Để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo quá sự thật, bác sĩ Lê Hành cho rằng chỉ cho phép một bác sĩ chỉ quảng cáo trên một tạp chí 1-2 lần trong năm, quy định khung quảng cáo, chỉ quảng cáo chức năng mình làm được chứ không làm tràn lan. “Tuyệt đối không để xuất hiện các cụm từ ‘nhất thế giới, số 1, duy nhất, chỉ có, hàng đầu”, bác sĩ Hành nói.
Các bác sĩ cũng đề xuất Sở Y tế TP HCM cần chú ý những người thậm xưng chức danh để quảng cáo là không tốt (như nhận mình là giáo sư tiến sĩ) đồng thời việc xét duyệt nội dung quảng cáo cần chặt chẽ hơn.
Hội viên Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP HCM còn đề cập đến việc một số bác sĩ mổ không phép nhưng vẫn chưa bị xử lý triệt để. “Nhiều người tay ngang nhưng vẫn phẫu thuật thẩm mỹ, họ làm hư rồi rồi sang đưa tôi sửa. Điều này Sở Y tế nên coi lại để người làm nghề chân chính đỡ mang tiếng”, một bác sĩ nói.
Tiến sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM thừa nhận có nhiều cơ sở hoặc bác sĩ thẩm mỹ in danh thiếp và tờ rơi quá chức năng. Riêng phòng khám không phép thì rất ít. “Nếu có chỉ xảy ra ở một số phòng khám đa khoa không có chức năng giải phẫu thẩm mỹ nhưng lôi kéo bệnh nhân", ông Trạng nói.
Về tình trạng quảng cáo, bước đầu chấn chỉnh, bác sĩ Trạng yêu cầu Hội cần thống nhất thuật ngữ “phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ hoặc cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ” để phân biệt với thẩm mỹ viện.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho hay đã đưa danh sách các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ lên website của Sở Y tế để người dân có thể tham khảo. Sở cũng sẽ cập nhật đầy đủ và gởi cho các địa phương.
Trung Hào