Sáng 15/12, tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM, nhắc lại lời thề của ông tổ ngành y Hyppocrate và Hải Thượng Lãn Ông, người đầu tiên đặt nền móng y thuật tại Việt Nam, Giáo sư - tiến sĩ Phạm Thị Minh Đức, Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng người khoác blouse trắng ngày nay cần rèn luyện thêm tâm tài đức.

Theo tiến sĩ Đức, khảo sát mới nhất của Hội Y học Việt Nam tại các cơ sở y tế trong cả nước cho thấy, chỉ có 40% bác sĩ hỏi bệnh và khám đầy đủ cho bệnh nhân. 40% bác sĩ thì bệnh nhân khai đau ở đâu là khám ở đó, số bác sĩ còn lại không thăm khám cho người bệnh hoặc khám sơ sài.
"Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp của các cán bộ y tế của ta là chưa cao, chưa hết lòng với người bệnh. Chính vì thế, người bệnh khó có thể hài lòng và khoảng cách giữa thấy thuốc và người bệnh ngày càng xa nhau hơn", bà Đức nói.
Bàn về chân dung một thầy thuốc tốt, về nguyên lý thầy thuốc đặt lợi ích người bệnh lên trên hết, tiến sĩ Đức thừa nhận thực tế cho thấy một phần không nhỏ nhân viên y tế vẫn chưa hết lòng với bệnh nhân. Ngoài sức ép công việc, nhiều người vẫn thiếu nhạy bén về cảm xúc, thiếu quan tâm tích cực với người bệnh.
Lấy trường hợp người nhà bệnh nhân đâm chết một bác sĩ ra làm ví dụ, tiến sĩ Đức cho rằng đây là hậu quả của cách làm việc thiếu chuyên nghiệp. "Ban đầu chúng tôi định xét liệt sĩ cho bác sĩ này, nhưng sau khi xem xét lại, chúng tôi thấy chưa hợp lý bởi anh cởi trần ngồi gọt trái cây ăn trong giờ làm việc. Người nhà bệnh nhân nóng lòng vì bác sĩ xử lý chậm nên bức xúc xông vào đâm".
Tiến sĩ Đức cho rằng ngoài nguyên nhân chủ quan của mỗi thầy thuốc còn do tình trạng quá tải bệnh nhân. "Làm sao có thể khám kỹ và khám chất lượng khi mỗi ngày mỗi bác sĩ khám đến hơn trăm bệnh nhân. Với chưa đến 5 phút một người bệnh thì bác sĩ đã ghi toa thôi đã đủ mệt chứ đừng nói đến khám", bà Đức nói.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng cho rằng thực trạng trên đã tồn đọng nhiều năm nay và còn rất nhiều bất cập. Nếu muốn thay đổi thì phải có thời gian chứ không thể thực hiện một ngày một buổi.
"Mỗi ngày một bệnh viện nhi tại TP HCM phải khám 5.000-7.000 bệnh nhân, mỗi giờ một bác sĩ phải khám trung bình hơn 20 trường hợp thì dù có thiên tài cũng không thể khám kỹ và thái độ giao tiếp không phải lúc nào cũng hòa nhã được", bác sĩ Bỉnh nói.
Thảo luận nhóm để tự đánh giá về bản thân, môi trường làm việc, quy trình điều trị và công tác quản lý, hầu hết các bác sĩ đều cho rằng tính chuyên nghiệp trong đại bộ phận người hành nghề y là chưa cao. Nguyên nhân chính được nhiều bác sĩ đề cập đến là vẫn còn không ít người chạy theo quyền lợi bản thân hơn sức khỏe của người bệnh, tình trạng quá tải và việc đào tạo giao tiếp trong trường y chưa được chú ý.
Liên quan đến tính chuyên nghiệp trong hành nghề y, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quỵ, Hội y học Việt Nam đề cập đến vấn đề tai biến y khoa. Ông cho rằng đây là điều cần được người thầy thuốc quan tâm nhiều hơn để tránh bức xúc cho người bệnh.
Giáo sư Quỵ khẳng định rủi ro là điều khó tránh khỏi đối với ngành y ở bất kỳ quốc gia tiên tiến nào, tuy nhiên nếu thầy thuốc không cẩn trọng thì tỷ lệ tai biến y khoa có thể tăng lên. "Các thống kê trên thế giới cho thấy hầy hết nhầm lẫn trong y khoa gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bệnh. Trong đó gần 50% sự cố y khoa có thể được phòng ngừa", ông Quỵ nói.
Phát biểu tại hội nghị "Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh" do Cục Quản lý khám chữa bệnh tại các tỉnh phía Nam hôm 13/12, bác sĩ Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho rằng cán bộ y tế cần phải sửa đổi nhiều mới mong có được sự hài lòng từ người bệnh.
"Điều đầu tiên người bệnh cần chính là nụ cười, là thái độ tận tâm của chính bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nữ hộ lý. Đừng đổ cho quá tải vì nếu nằm giường đôi mà được chăm sóc tận tâm, thái độ niềm nỡ ân cần, nhanh nhẹn, phản ứng nhanh khi người bệnh yêu cầu thì dẫu có chuyện xấu nhất xảy ra thì người nhà bệnh nhân cũng sẽ vui lòng", ông Lộc nói.
Thiên Chương
* Mời bạn chia sẻ những câu chuyện gặp khi đi khám chữa bệnh tại đây.