Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết, do ảnh hưởng của El Nino, thời tiết chuyển biến rất bất thường. Cả tháng 1 chỉ có 3 đợt không khí lạnh, trong đó có 1 đợt vào ngày 16/1 tương đối mạnh, gây ra 2-3 ngày rét đậm. Riêng Hà Nội chưa ngày nào đạt dưới ngưỡng rét đậm (dưới 15 độ C). "Có thể nói tháng 1 có số ngày rét đậm ít nhất so với cùng kỳ trong vòng từ năm 1956 đến nay", ông Tăng nhận xét.
Sang tháng 2, trời còn ấm hơn. Ông Tăng cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay không có một đợt không khí lạnh nào tràn xuống miền Bắc, trong khi bình thường ít nhất có 1-2 đợt. Nền nhiệt độ vì thế tăng vọt, trung bình ngày đạt 16,5-17,5 độ C, cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm 3-5 độ C. "Nhiệt độ này cao chưa từng thấy trong chuỗi số liệu chúng tôi quan trắc từ hơn một thế kỷ nay", ông Tăng nói.
Nhiệt độ cao, mưa lại ít khiến mực nước các sông hồ miền Bắc xuống rất thấp. Năm ngoái, mực nước thấp nhất trên sông Hồng tại Hà Nội đạt 1,36, đã được coi là mức kỷ lục trong vòng hơn 100 năm. Nhưng ngày 23/1 vừa qua, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã giảm xuống 1,12 m. Nước hạ nguồn đã ít, nước thượng nguồn về các hồ thủy điện cũng chung số phận. Hiện mức nước hồ Hòa Bình chỉ đạt 110,65 m, thấp hơn cùng kỳ 2006 là 1,4 m.
Người dân bở hơi tai vì nắng ấm
Chính kiểu thời tiết nắng nóng, độ ẩm trong không khí cao 85-90% khiến các loại côn trùng như ruồi muỗi sinh sôi nảy nở. Anh Đức, ở Gia Lâm, Hà Nội, than thở: "Chưa khi nào muỗi nhiều như vậy, chúng bay vù vù khắp nhà. Khi xịt thuốc, muỗi rơi đầy nhà, quét không xuể". Nhiều gia đình tại Hà Nội sống ở tầng cao, vốn ít khi mắc màn, nay cũng phải sử dụng phương tiện chống muỗi này.
Tiết trời nóng ẩm khiến con người luôn cảm thấy mệt mỏi, đau nhức xương. Các bệnh dịch như sốt, thủy đậu phát triển mạnh. Tại các bệnh viện như Da liễu, Nhi Trung ương, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, số bệnh nhân thủy đậu tăng đáng kể so với trước. Đặc biệt, vì nắng nóng, người dân các tỉnh miền Bắc đã không được hưởng cái Tết vui vẻ trọn vẹn, bởi thức ăn thi nhau lên men, số ca ngộ độc thực phẩm cũng tăng.
Tiết trời nóng ẩm đã giúp nông dân các tỉnh miền Bắc sớm hoàn thành việc cấy lúa. Theo Cục Trồng trọt, đến nay đã có 92% trong tổng số 640.000 ha lúa đông xuân đã cấy xong. Nhưng nông dân cũng như các cán bộ ngành nông nghiệp lại đối mặt với nguy cơ lúa giảm năng suất do nắng nóng, lúa trỗ sớm, sâu bọ phát triển. Chính vì thế, ngày 23/2 (1 ngày sau kỳ nghỉ Tết) và hôm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khẩn cấp triệu tập cuộc họp với đại diện 19 tỉnh miền Bắc để bàn giải pháp đối phó với tiết ấm.
Tháng 3-4 tiếp tục nắng nóng
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Bùi Minh Tăng dự báo, từ hôm nay đến 5-6/3, tức là đến thứ hai tuần sau, chưa có đợt không khí lạnh nào ảnh hưởng đến miền Bắc. Vì thế, 2 ngày nữa, trời tiếp tục âm u, mưa phùn, một số nơi có mưa rào với lượng mưa khoảng 15 mm. Những ngày 3-5/3, trời ấm hơn, không duy trì nhiệt độ 21-28 độ C như hôm nay. "Phải đến 6-11/3 sẽ có một đợt không khí lạnh ảnh hưởng, tuy nhiên chỉ làm nhiệt độ giảm xuống, không gây rét", ông Tăng dự báo.
Dự báo về thời tiết các tháng 3-4, Giám đốc Tăng nói: "Từ nay đến đầu tháng 5, tất nhiên vẫn còn những đợt rét vì vẫn trong mùa đông xuân, nhưng với những năm ấm như thế này thì khả năng không khí lạnh hoạt động trong tháng 3-4 là rất yếu. Nền nhiệt độ trung bình tháng 3 ở Bắc Bộ tiếp tục cao hơn nhiều năm khoảng 1-3 độ C; tháng 4 cao hơn 0,5-1,5 độ C".
Về mưa, theo dự báo của cơ quan khí tượng, tháng 3-4 sẽ có một đợt mưa rào, nhưng tổng lượng vẫn thiếu hụt so với nhiều trung bình nhiều năm. Mưa ít khiến mực nước các sông ở Bắc Bộ sẽ tiếp tục xuống thấp. Tại các cửa sông sẽ có hiện tượng xâm nhập mặn.
Hồng Khánh