![]() |
Gà tây bụi rậm đực. |
Tiến sĩ Ann Göth từ Đại học Macquarie ở Sydney và tiến sĩ David Booth từ Đại học Queensland, Australia, đã nghiên cứu các thói quen bất thường ở loài gà tây bụi rậm Australia (Alectura lathami), sau khi có thông báo từ một cụ già bản địa sống ở bình nguyên Atherton, thuộc vùng viễn bắc Queensland. Cụ kể rằng số chim mái con xuất hiện nhiều hơn sau một mùa ấp nóng bức, và số con đực nhiều hơn trong mùa lạnh.
Khi tìm hiểu hiện tượng này, hai nhà nghiên cứu đã tìm thấy số gà tây mái nở ra nhiều hơn trong điều kiện nhiệt độ cao, còn khi nhiệt độ xuống thấp, các con đực lại chiếm đa số. Theo nhóm nghiên cứu, gà tây bụi rậm là loài chim đầu tiên được biết tới nay điều chỉnh giới tính của con bằng nhiệt độ. Nhưng có lẽ, chúng làm điều đó theo một cách thức khác với các loài bò sát.
Gà tây bụi rậm là một loài chim kỳ lạ, vì chúng thuộc về một nhóm 22 loài chim được gọi là megapode, không ấp trứng. Thay vào đó, chúng nhờ đến các nguồn nhiệt môi trường như đống lá cây đang phân huỷ. Göth cho biết sau khi con cái đẻ trứng, con đực sẽ trông giữ đám lá cây này, sử dụng một bộ phận cảm nhiệt ở mỏ trên của nó để giữ cho đống lá luôn trong khoảng 30 đến 37 độ.
“Trong suốt mùa làm tổ từ tháng 7 đến tháng 2, mỗi ngày chim trống đều gắp lấy một mẩu đất nhỏ trên mỏ của nó, và kiểm tra nhiệt độ. Nếu đám phân rác lạnh đi, nó sẽ đắp thêm lá, và nếu quá nóng, nó sẽ mở một lỗ trên đỉnh đống để khí nóng thoát bớt ra ngoài”, Göth nói.
Cô đã tìm thấy số lượng chim con đực và cái có tỷ lệ tương đương nhau khi đống lá 34 độ C. Nhưng khi nhiệt độ xuống còn 31 độ C, số con đực nở ra nhiều hơn, và ngược lại, số con cái áp đảo khi đống rác lên 36 độ.
Không giống như bò sát, nhiệt độ ấp trứng của gà tây bụi rậm không quyết định đến giới tính của trứng, mà ảnh hưởng đến số trứng sẽ sống sót. “Chúng tôi biết rằng ở bò sát, nhiệt độ quyết định giới tính của một quả trứng sau khi trứng đã được đẻ ra, nhưng giới tính của gà tây bụi rậm được ấn định vào thời điểm quả trứng ra đời”.
Thuận An (theo ABConline)